Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam kết luận rằng biến thể virus corona mới phát hiện ở Việt Nam không phải là chủng lai, mà là đột biến bổ sung của biến thể virus phát hiện tại Ấn Độ.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 3/6, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam – ông Kidong Park trả lời báo Nikkei Asia rằng “Không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO. Biến thể được phát hiện là biến thể Delta, với các đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm”.

Biến thể corona mới ở Việt Nam là đột biến bổ sung với biến thể xuất hiện tại ẤN Độ (ảnh minh họa).

Ông Park giải thích thêm: Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, nó chỉ là đột biến bổ sung thuộc biến thể Delta hiện có. Hiện tại không có bất cứ cảnh báo nguy hiểm nào từ WHO.

Nhưng ông Park cũng nhấn mạnh, chúng ta không thể chủ quan vì biến thể Delta rất nguy hiểm. Nó rất dễ lây lan và còn lây lan rất nhanh.

Trước đó, ngày 29/5, ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua quá trình xét nghiệm và giải trình tự gen, cơ quan y tế phát hiện một biến chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa biến chủng tại xuất hiện tại Anh và tại Ấn Độ.

Biến thể bổ sung mới này có tốc độ lây lan nhanh (ảnh minh họa).

Theo ông Long, đặc điểm của biến chủng lai này lây lan rất nhanh, nồng độ virus trong dịch cổ họng cao, phát tán rộng trong không khí và môi trường xung quanh. 

Ông Son Nghiem – nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kinh tế y tế ứng dụng của Đại học Griffith (Úc) cho rằng, các đợt bùng phát dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh chủ yếu có liên quan đến biến thể được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.