Vừa đặt điện thoại xuống là chuông lại reo, nghe điện thoại nhiều đến nỗi đi ngủ mà vẫn nói: “Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe”…. Đó là những chia sẻ của các bạn tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu 115 TP. HCM đang trải qua mỗi ngày, theo báo Thanh Niên.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Không dám dời khỏi chỗ ngồi

Theo báo Thanh Niên, một tình nguyện viên trực tổng đài Trung tâm cấp cứu 115, Lương Thành Thuận, sinh viên Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn cho biết rằng dịch bệnh càng phức tạp khiến nhiều người dân cần đến Trung tâm cấp cứu 115 càng nhiều. Mỗi ngày các cuộc gọi gọi đến nhiều không đếm xuể. Một ngày 24h đồng hồ, đội tình nguyện chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Nhiệm vụ của tình nguyện viên là nhận các cuộc gọi cấp cứu; hoặc hỗ trợ F0 đi bệnh viện; hoặc hỗ trợ giúp F0 di chuyển từ khu cách ly đến bệnh viện dã chiến.

Một ngày số ca gọi đến Tổng đài 115 không đếm xuể. (ảnh chụp màn hình).

Thuận chia sẻ: người dân gọi đến thường trong tình trạng rất hoảng loạn, căng thẳng và hối thúc. Sau khi nhận được thông tin, tụi mình phải tìm bệnh viện rồi mới điều xe chở bệnh nhân được. Có những lúc quá tải, phải gọi tất cả các bệnh viện để chờ sắp xếp. Trong khi người dân gọi đến ai cũng cần gấp, nên tụi mình phải gắng sức xử lý để bệnh nhân không phải chờ lâu.

Anh cũng chia sẻ tiếp rằng mỗi lần vào ca trực là nhận cuộc gọi liên tục; có lúc chưa xử lý thông tin người này xong thì lại nhận được thông tin từ người khác. Vừa đặt điện thoại xuống thì chuông điện thoại lại reo. Nhiều khi mải xử lý công việc mà các thành viên quên ăn, quên uống, không dám rời khỏi chỗ. Những lúc đi ăn thì chia ra; người ăn người trực để không bỏ lỡ cuộc gọi nào…

Xử lý vô vàn tình huống

Tam Thanh Tuấn, thành viên đội tình nguyện trực tổng đài kể: “Người dân gọi đến, mình cứ bắt máy lên là họ hối xuống lẹ đi, xuống lẹ đi; tôi như thế này, người nhà tôi nhiễm nặng như thế này rồi… Nhiều người rối quá nên không hiểu là mình phải biết đầy đủ thông tin họ ở đâu; tình trạng nhiễm bệnh như thế nào thì mình mới biết mà phân tuyến…”.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Cũng có lúc, người gọi đến nói nặng lời và khó nghe; nhưng các thành viên trong đội tình nguyện đều hiểu và thông cảm: “Tụi mình hiểu nên luôn cố gắng để trấn an, giúp bệnh nhân và người nhà giữ bình tĩnh; cũng như hướng dẫn xử lý trong khi đợi xe cấp cứu đến đón”, Tuấn chia sẻ.

Mọi người làm việc hết công suất

Do nghe điện thoại liên tục, Thuận kể: “Có những đêm về ngủ mà miệng vẫn cứ lép nhép “Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe”. Hầu như vào ca làm việc là không ai có thời gian nghỉ.

Phạm Thị Thu Hường (25 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từ khi dịch bùng phát; công việc cũng bị ảnh hưởng, cô phải ở nhà và không có thu nhập. Hường chia sẻ: “Ở nhà không làm gì mà cứ ngồi trong phòng chờ hết dịch, sao mình thấy phí sức trẻ quá, thế là đăng ký đi tình nguyện chống dịch. Giờ mình không có kinh tế thì mình góp sức, hy vọng thành phố sẽ mau hết bệnh”.

Từ đầu mùa dịch, Hường cũng tham gia nhiều đội tình nguyện như trực chốt, phát yếu phẩm, hỗ trợ các điểm tiêm vắc-xin… Đến khi biết Trung tâm cấp cứu 115 đang rất cần tình nguyện viên; hỗ trợ trực tổng đài thì Hường đăng ký tham gia.

Nơi làm việc dã chiến tổng đài 115 (ảnh chụp màn hình).

Hường chia sẻ: trong đợt dịch này, số cuộc gọi đến nhiều vô kể cùng vô vàn tình huống; nhiều lúc mình như bị stress. Có những trường hợp nhẹ thôi; nhưng người dân có tâm lý lo sợ nên đưa thông tin không chính xác cho tụi mình. Nếu đưa thông tin chính xác tụi mình sẽ hướng dẫn họ ở nhà tự xử lý; sẽ tốt hơn là đưa họ đến những nơi có nhiều yếu tố nguy cơ.

Có trường hợp, người dân gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 chưa nói được gì đã khóc; khiến tụi mình không kìm được cảm xúc mà khóc theo.

Tăng công suất đường truyền để phục vụ kịp thời

Theo báo Công An, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho biết, Tổng đài tại Trung tâm cấp cứu 115 hiện hữu vẫn giữ nguyên. Mới đây, Trung tâm 115 được thành lập tại Công viên Phần mềm Quang Trung (Q12- TP. HCM); được xem như một trung tâm dã chiến để phục vụ công tác điều phối cấp cứu trên toàn thành phố; do các tình nguyện viên tham gia.

Trước đây, mỗi ngày Trung tâm nhận khoảng  1.200 cuộc gọi thì hiện nay đã lên khoảng 5.000 cuộc gọi. Trung tâm cũng tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần.

Hiện tại có khoảng 250 người làm việc tại đây để hỗ trợ người dân xử lý các tình huống cấp bách.