Nóng: Vợ nạn nhân Covid-19: Cám ơn đã đưa chồng tôi về trên tay tôi; Bình Dương nhiều nơi bị hoãn tiêm; xử lý vụ “tiêm vắc xin phải trả tiền test nhanh”.

Dân bức xúc vì tiêm vắc xin phải trả tiền test nhanh

Báo Thanh Niên tối ngày 8/8 cho biết, tòa báo nhận được phản ánh của bạn đọc ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) về việc một số điểm tiêm phòng ở huyện này buộc người dân khi đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải test nhanh với mức phí 238.000 đồng/lần mới được tiêm. Việc này khiến những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn không có tiền trả phí test nhanh, đồng nghĩa với việc không được tiêm vắc xin…

Việc thu phí test nhanh gây bức xúc ở Vĩnh Long đã được xử lý (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).
Việc thu phí test nhanh gây bức xúc ở Vĩnh Long đã được xử lý (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Thanh Niên cho biết, ngay sau đó tòa báo đã liên hệ trao đổi sự việ với ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long. Ông Minh xác nhận thông tin một số điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 bắt buộc người dân phải test nhanh Covid-19 mới được tiêm.

Theo ông Minh, chiều cùng ngày, Sở Y tế Vĩnh Long đã ra văn bản chấn chỉnh việc này và cho dừng ngay việc test nhanh thu phí trước khi vào tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu các điểm tiêm có test sàng lọc thì sẽ test miễn phí cho người dân đến tiêm phòng (Đọc tiếp bản tin trên Thanh Niên).

TP. HCM lo cạn vắc xin?

Theo báo Tuổi Trẻ, tính từ ngày 22/7 đến hết ngày 7/8, TP. HCM đã tiêm được hơn 2,1 triệu người; trong khi đó số vắc xin TP đã nhận từ Bộ Y tế gần 2,6 triệu liều.

Theo Sở Y tế TP. HCM, với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vắc xin thì dự kiến hết ngày hôm nay 9/8, thì TP sẽ đối diện với việc thiếu vắc xin tiêm diện rộng như vừa qua.

Ở một thông tin mới cập nhật từ Sở Y tế TP. HCM, hôm nay thành phố sẽ nhận 600.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Viện Pasteur TP. HCM.

Ngay khi nhận được số vắc xin này, thành phố sẽ phân bổ cho các quận huyện, TP Thủ Đức ngay trong ngày để việc tiêm chủng “đứt quãng”.

Những ngày qua, TP. HCM tổ chức nguồn lực tiêm vắc xin để đạt tốc độ tiêm 300.000 liều/ngày (Đọc tiếp bản tin trên Tuổi Trẻ)

Bình Dương nhiều nơi phải dừng tiêm, hỏa tốc cầu cứu

Vẫn trên báo Tuổi Trẻ, người dân nhiều nơi ở Bình Dương hụt hẫng khi xã, phường thông báo đăng ký tiêm vắc xin nhưng khi chưa triển khai thì đã phải hoãn do không có vắc xin.

Hiện Bình Dương có số ca mắc nhiều thứ hai cả nước, với tỉ lệ ca mắc trên quy mô dân số xấp xỉ TP. HCM nhưng vắc xin phân bổ cho tỉnh lại chưa tương xứng với tình hình ca bệnh hiện tại. Trong khi một tỉnh có số vắc xin được phân bổ tương đương Bình Dương dù số ca bệnh chỉ bằng 1/3; hoặc một thành phố dù có tổng dân số lớn hơn nhưng số ca mắc hiện tại chỉ bằng 1/13 Bình Dương, số vắc xin được phân bổ lại gấp rất nhiều lần…

Số vắc xin mà tỉnh Bình Dương được phân bổ hiện tại là hơn 544.000 liều; chỉ đáp ứng một phần nhỏ với tổng cộng nhu cầu.

Do đó, ngày 8/8, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long để “cầu cứu”, đề nghị phân bổ vắc xin phòng Covid-19

Theo UBND tỉnh Bình Dương, với quy mô dân số 2,6 triệu người, trong thời gian tới (tháng 8 và 9/2021) thì tỉnh phải tiêm vắc xin cho hơn 2 triệu người.

Nếu có vắc xin, Bình Dương có thể nâng tốc độ tiêm tối đa 100.000 liều/ngày (Đọc tiếp bản tin trên Tuổi Trẻ)

Một tỉnh miền Tây vượt 10.000 ca

Theo Bộ Y tế, sáng nay Long An ghi nhận thêm 287 ca nhiễm mới; nâng tổng số người nhiễm Covid-19 ở tỉnh này là 10.402 người.

Theo báo Người Lao Động dẫn số liệu từ CDC Long An cho biết, tính đến ngày 7/8, toàn tỉnh đã có 10.116 ca nhiễm. Tính đến ngày 8/8, có 2.217 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; 106 người tử vong; đang cách ly tập trung 6.646 người (Đọc tiếp bản tin trên Người Lao Động).

Hà Nội: Người ra đường cần 5 loại giấy tờ

Ngoài “Giấy thông hành”, TP. Hà Nội yêu cầu người đi đường phải được cấp, xuất trình thêm nhiều loại giấy tờ.

Theo đó, Hà Nội đề nghị ngoài Giấy đi đường, người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Vợ nạn nhân Covid-19: Cám ơn đã đưa chồng tôi về trên tay tôi

Theo báo Dân Trí, chiều ngày 8/8, sau khi nhận tro cốt từ Bộ Tư lệnh TP. HCM, lãnh đạo khối quân sự, chính quyền phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đã đến trao hũ tro cốt cho một người vợ có chồng tử vong do dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đón hũ tro của chồng, vợ nạn nhân xúc động nói: “Nhận tin chồng mất, tôi vô cùng đau xót, nhưng sẽ đau xót hơn nếu tôi không tìm được tro cốt của anh ấy. Tôi xin cám ơn lãnh đạo, các cấp chính quyền đã đưa chồng tôi về trên tay tôi”.

Một quân nhân hai tay nâng hũ cốt trong sự xúc động. “Trên tay chúng tôi là đồng bào không may tử vong trong đại dịch”, anh chia sẻ trên báo Dân Trí (ảnh chụp màn hình).

Hiện Bộ Tư lệnh TP. HCM đã thành lập Bộ phận công tác đặc biệt để tiếp nhận tro cốt người dân mất vì dịch Covid-19 từ Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Sau đó, tro cốt người dân mất vì dịch Covid-19 sẽ được đưa về Nhà tang lễ TP. HCM (quận Bình Tân) để Ban chỉ huy quân sự 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đến tiếp nhận, bàn giao về đến tận nhà cho thân nhân của những người mất vì Covid-19.

Đối với các tỉnh lân cận, quân đội bố trí đưa về quận giáp ranh như Huyện đội Bình Chánh sẽ nhận cho người dân Long An, quận đội quận 12 sẽ nhận cho bà con Bình Dương… (Đọc tiếp bản tin trên Dân Trí).