Sau gần 1 tháng nằm viện vì điều trị Covid-19, anh Nguyễn Hồng Kỳ (34 tuổi) đã khỏi bệnh. Cảm phục trước sự vất vả tận tình của các y bác sĩ, hết thời gian cách ly tại nhà, anh quyết định quay lại bệnh viện để phục vụ các F0, trả ơn cuộc đời.
- Làm gì khi là F0 hoặc F1 cách ly tại nhà?
- 10 ngày chiến đấu và kinh nghiệm sống còn của gia đình có 3 người bị nhiễm Covid-19 ở TP. HCM
- Tin nhanh 17/8: Vụ 46 thi thể từ Sài Gòn về miền Tây: Phát hiện khi giàn thiêu đỏ lửa; gần 1 triệu lượt người TP. HCM ra đường/ngày
Một câu chuyện được báo Thanh Niên lan tỏa tinh thần kiên cường chiến đấu với dịch bệnh và lòng biết ơn cuộc đời qua hành động tương thân tương ái của nam thanh niên là F0 khỏi bệnh.
Xem nhanh
Hai vợ chồng đều là F0
Chàng thanh niên được nhắc đến ở trên là anh Nguyễn Hồng Kỳ (SN 1987) ngụ tại đường Phú Lộc, P.6, Q.Tân Bình. Anh là chủ một cửa hàng kinh doanh tự do. Đầu tháng 7, sau khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, gia đình anh ngừng bán hàng, ở nhà phòng dịch.
Sau khi phát hiện 1 ca dương tính gần nhà, 3 ngày sau anh Kỳ bắt đầu bị sốt và khó thở. Cả xóm được làm xét nghiệm. Kết quả anh Kỳ và nhiều người khác trong xóm có kết quả dương tính.
“30 phút sau họ gọi tiếp xét nghiệm PCR thì họ khẳng định 100% tôi là F0 và kêu gọi thèm gì ăn đi. Nhanh trí tôi vô tủ lạnh tém hết hộp sầu riêng mới mua cho đã rồi lên sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường cách ly”, anh Kỳ hài hước nói.
Anh Kỳ được đưa đến Bệnh viện Dã chiến số 4 Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM) trên chiếc xe 50 chỗ với tình trạng mệt mỏi, ho sốt. Những ngày đầu, anh bị mất ngủ, khó thở và ho mạnh. Hôm sau anh bị mất khứu giác và vị giác.
Ba ngày sau, anh biết được tin vợ mình cũng bị dương tính và vào cách ly chung cùng anh. Hai vợ chồng cùng chăm sóc và động viên tinh thần để vượt qua dịch bệnh.
Cảm động đội ngũ phục vụ tại bệnh viện dã chiến
Anh Kỳ chia sẻ rằng qua 7 ngày đầu mệt mỏi, anh thấy người khỏe trở lại; kết quả xét nghiệm đã âm tính. Tuy nhiên, sang ngày thứ 14 anh lại có quả dương tính. Hai vợ chồng phải ở lại thêm một 14 ngày nữa. Ở bệnh viện mà trong lòng anh cứ lo hai đứa nhỏ đang ở cùng bà ngoại.
Anh Kỳ cho biết thêm, tại khu cách ly, anh được ăn uống đầy đủ. Có rất nhiều mạnh thường quân đi phát nhu yếu phẩm như kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, sữa hộp, xúc xích… Các đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên thì quan tâm rất chu đáo.
Anh khuyên mọi người, khi đi cách ly chỉ cần mang theo khoảng 3 bộ quần áo, bình siêu tốc, chanh, gừng, mì gói, xà bông… Bởi vì, hầu như trong bệnh viện đều có đủ đồ dùng. Người ở phòng cách ly nên giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ; giảm gánh nặng cho các nhân viên y tá. “Việc F0 tự vệ sinh phòng cũng là chung tay chống dịch”, anh nói.
Ở đây lâu, anh mới cảm nhận được sự vất vả của đội ngũ phục vụ tại bệnh viện dã chiến. Họ phải mặc đồ bảo hộ cả ngày, nằm ngủ dưới đất và đã lâu rồi không được về nhà.
Ngày 3/8 hai vợ chồng anh Kỳ được xuất viện; kèm theo đó là những món quà của đội ngũ y bác sĩ trao làm kỷ niệm. Anh rất xúc động, lâng lâng nhớ mãi.
Quay trở lại bệnh viện để trả ơn cuộc đời
Sau thời gian tự cách ly tại nhà theo yêu cầu của bác sĩ. Trong một lần đi chợ, anh chợt nảy ra quyết định quay trở lại bệnh viện làm tình nguyện viên để trả ơn những những người đã giúp mình và giúp những F0 như mình vượt qua thời gian khó khăn này.
Anh chia sẻ “Trong 5 phút tôi quyết định mình sẽ vào lại bệnh viện làm tình nguyện để trả ơn lại những người đã giúp mình”.
Tờ báo Zing News cho biết, sáng ngày 16/8 anh Kỳ đã bắt đầu ngày làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 4. Với tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhiệt tình, các bác sĩ đề xuất đưa anh Kỳ vào phòng hỗ trợ cấp cứu hồi sức, giúp các bệnh nhân F0 nặng phải thở bằng máy.
Anh chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của tôi là động viên tinh thần, lan tỏa sự lạc quan, năng lượng tích cực cho mọi người bằng những câu chuyện đùa, chuyện tếu thường ngày. Tôi cũng chuyển lương thực vào, hỗ trợ các bệnh nhân nặng đi một mình”.
Chia sẻ về hành trình chiến thắng Covid-19 của mình, anh Kỳ cho biết “Với căn bệnh này, ai giữ được sức khỏe tốt, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng. Ai không may bị dương tính cũng sẽ có cách để vượt qua; quan trọng nhất là phải giữ được sự lạc quan”.
Hiện tại, anh Kỳ không về nhà mà ở lại tại bệnh viện. Anh cho biết sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Thật đáng cảm phục!