Mới đây, đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gây nhiều tranh cãi. Có người đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều đối tượng khác cần được quan tâm hơn.
- Nghệ sĩ Giang Còi sụt 14kg sau lần nhập viện cấp cứu
- Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ để tất cả người dân Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19
Theo báo Thanh Niên mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã ký văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất một số chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, họ là những nghệ sĩ trải qua quá trình đào tạo công phu nhưng tuổi nghề ngắn, lương thấp. Vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị hỗ trợ khoảng 2.000 viên chức hạng 4 gồm đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại các đơn vị công lập. Mỗi người được nhận hỗ trợ 3 tháng, nhận 1,8 triệu đồng/1 tháng và chi trả trong một lần.
Đề xuất này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến trái chiều trước đề nghị này của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Nhiều người cho rằng trong tình hình chung hiện nay, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, không riêng gì giới nghệ sĩ, mong cơ quan chức năng dành sự quan tâm đến người dân khác:
“Tôi nghĩ nên ưu tiên cho người lao động khó khăn trước. Có nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn nghệ sĩ chẳng hạn như người già và người bán vé số, họ cần được giúp đỡ trong mùa dịch này”.
“Còn rất nhiều nghề cực khổ hơn nghề này lắm. Họ cũng bị mất việc, phải ngủ gầm cầu, lề đường, làm ơn hãy giúp đỡ họ.”
“Những ngành khác thì ai hỗ trợ?”
“Tôi không bằng lòng, nghề nào cũng khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Có những nghề còn khó khăn hơn nghệ sĩ nhiều, ví như những lao động tự do hoặc các công nhân họ gặp nhiều khó khăn hơn nghệ sĩ nhiều…”
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lên tiếng đồng tình với đề xuất này. Họ cho rằng bên cạnh một số nghệ sĩ giàu có,sở hữu khối tài sản “khủng” thì vẫn có không ít người có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý là những viên chức với đồng lương ít ỏi và không thể biểu diễn trong giai đoạn dịch từ năm ngoái.
Người xem khác cho ý kiến: “Nghệ sĩ trong diện viên chức nhà nước có thu nhập rất thấp. Thuộc biên chế nhà nước nên được nhận hỗ trợ cũng chính đáng mà”. “Nghệ sĩ nổi tiếng thu nhập cao, đóng thuế nhiều thì sẽ không được trợ cấp. Nhưng một số bộ phận khác vẫn còn khó khăn. Đây mới chỉ là đề xuất nên cần xem xét theo từng đối tượng”.
Ngày 22/6, trao đổi với PV báo Lao Động, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long – nhóm Xẩm Hà Thành cho hay: Những đề xuất kịp thời của Bộ VHTTDL sẽ giúp cho các nghệ sĩ vững tâm hơn, có động lực đi tiếp với nghề. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả, không chỉ riêng giới nghệ sĩ. Điều quan trọng là anh em nghệ sĩ giảm bớt được nỗi lo thường ngày, có thêm động lực để sống trọn với đam mê nghệ thuật, cống hiến các tác phẩm mang tính sáng tạo và chất lượng nhất.