Chè đậu xanh nha đam là một gợi ý tuyệt vời cho gia đình trong những ngày hè nắng nóng. Tuy cách nấu món này không cầu kỳ nhưng nếu không biết cách sơ chế nha đam sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của món chè. Cùng tham khảo cách nấu chè đậu xanh nha đam đường phèn không bị đắng dưới đây nhé!
Nha đam không chỉ là liều thuốc tự nhiên giúp giải độc cơ thể mà còn là mỹ phẩm thiên nhiên giúp cải thiện làn da, ngăn ngừa lão hóa. Nha đam có thể dùng để làm nước ép hoặc nấu chè với đậu xanh. Chè đậu xanh đường phèn nha đam có vị ngọt thanh mát, là sự kết hợp hài hòa giữa vị bùi bùi của nha đam và của đậu xanh khiến ai cũng thích mê.
Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa nội tạng, giảm sưng đau. Dùng để nấu cháo, nấu nước uống, ngoài ra nha đam thường rất được ưa chuộng trong các món chè, ngoài chè đậu xanh nha đam thì nha đam cũng góp mặt rất nhiều trong các món chè như chè hạt sen, nước cốt dừa, sữa tươi…
Xem nhanh
Nguyên liệu nấu chè đậu xanh nha đam
- Nha đam to: 1 bẹ
- Đậu xanh nguyên hạt: 200g
- Đậu xanh cà vỏ: 90g
- Đường phèn
- Sụn rong biển
- Vani.
Cách nấu chè đậu xanh nha đam đường phèn chuẩn vị
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cho đậu xanh nguyên hạt và đậu xanh cà vỏ đem ngâm nước. Ngâm khoảng 3 – 4 tiếng thì vớt ra rồi để ráo. Cũng có thể ngâm đậu xanh qua đêm để đậu xanh nở mềm và món chè sẽ ngon hơn.
Đối với sụn rong biển đem rửa sạch với nước để loại bỏ mùi hôi và vị mặn. Rửa nhiều lần với nước khoảng 10 lần để rong không còn mùi hôi. Sau đó cho rong biển vào ngâm với nước khoảng 2 – 3 tiếng rồi cắt thành từng khúc ngắn vừa ăn.
Nha đam cắt thành từng khúc khoảng 3-4 cm; sau đó dùng dao cắt bỏ phần gai và phần vỏ xanh của nha đam. Lưu ý gọt sâu phần thịt để nha đam không bị dính vào phần vỏ xanh, nếu không sẽ khiến chè bị đắng và gây ngứa khi ăn. Xem thêm cách sơ chế nha đam để làm đẹp và nấu ăn.
Bước 2: Công đoạn chế biến
Sau khi gọt sạch vỏ nha đam; có thể cắt phần thịt của nha đam thành những sợi dài vừa phải hoặc có thể cắt thành hình hạt lựu. Sau khi cắt xong cho 1 thìa cà phê muối vào nha đam và nước cốt của 1/2 quả chanh. Rồi dùng tay để chà xát phần thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch, vớt ra để ráo. Với cách xử lí này, nha đam sẽ trắng và không còn nhớt nữa. Tiếp theo cho nha đam vào trùng qua nước nóng rồi vớt nhanh tay cho vào tô nước lạnh để nha đam được giòn và trắng hơn.
Bắc nồi lên bếp, cho vào khoảng 1,5 lít nước và nồi với 1 thìa cà phê muối. Khi nước sôi cho đậu xanh vào nấu cùng. Khi đậu xanh chín thì cho phần nha đam vào; đồng thời cho đường phèn vào cùng lúc để nha đam thấm đều vị. Tùy theo sở thích mà có thể cho lượng đường phù hợp. Trong quá trình đun nếu có bọt nổi lên thì dùng thìa vớt bọt để nước chè được sạch và trong hơn.
Nấu khoảng 30 phút, khi thấy nha đam và đậu xanh đã chín thì cho vani vào khuấy đều để nồi chè thơm hơn. Sau đó đun thêm khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp là xong.
Bước 3: Thành phẩm món chè đậu xanh
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong cách nấu chè đậu xanh nha đam đường phèn rồi. Cuối cùng múc chè ra cốc và cho sụn rong biển vào và thưởng thức.
Vài lưu ý trong cách nấu chè nha đam đậu xanh đường phèn
Để nấu chè nha đam đậu xanh không bị đắng, phải sơ chế nha đam thật kỹ. Bước này tuy tốn nhiều thời gian nhưng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến hương vị của chè. Đặc biệt, khi nấu chè; không được cho sụn rong biển vào trong khi nấu mà chỉ được cho vào khi chuẩn bị ăn. Vì nếu cho vào khi nấu chè sẽ dễ bị hỏng.
Với công thức này và những lưu ý trên mọi người có thể dễ dàng làm món ăn cho cả nhà. Ngoài ra; chè sắn dây mè đen cũng là một món chè thanh mát và tốt cho bà bầu trong thời kỳ thai nghén, chị em có thể tham khảo và áp dụng theo cách này để giảm việc ốm nghén nhé.