Lời nói có tác dụng mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Sức mạnh của lời nói thiện có thể xẻ núi ngăn sông, có thể giúp người ta làm nên những điều tốt đẹp.
- Quy luật bất biến: Giúp người khác cũng lại là giúp mình
- Khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!
- Bài học cuộc sống: Thái độ bản thân quyết định tất cả
Xem nhanh
Lời nói có thể cứu vớt hoặc hủy hoại một con người
Người xưa có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Hay câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đôi khi, chỉ một câu nói thiện ý có thể giúp người khác tăng thêm sức mạnh ý chí vượt qua gian khó. Và cũng một câu nói “không thiện ý” lại đẩy người khác đến đường tuyệt vọng, đánh mất chính mình.
Lời hay ý đẹp xuất phát từ sự chân thành đều sẽ khích lệ người khác làm những việc thiện lành. Khi một người đang gặp khó khăn; một lời nói thiện sẽ như một cái phao cứu vớt kịp thời. Vừa là nội lực – sức mạnh của ý chí bên trong họ; vừa là ngoại lực – khích lệ mạnh mẽ để hành động liên tục. Chắc hẳn kết quả sẽ đạt được điều tốt đẹp.
Còn lời nói ác ý, châm chọc, đả kích, thù hận, … đều gây tổn thương cho đối phương. Tuy nhiên đạo trời công bằng, không phải người gieo rắc lời nói bất thiện cho người khác rồi mình sẽ vẫn bình an vô sự đâu.
Người xưa vẫn thường nói “họa từ miệng mà ra” nghe cũng rất súc tích và chuẩn xác. Người xấu tạo tin đồn, nói những lời làm hại người khác vẫn tự cho mình giỏi; có biết đâu những gì chờ đợi họ ở phía trước lại là những báo ứng tương ứng khẩu nghiệp đã tạo nên.
Câu chuyện về lời nói thay đổi số phận một con người
Nhà văn Lâm Thanh Huyền thời học cấp 2, học lực và hạnh kiểm đều xếp loại kém. Rất nhiều thầy cô đã không còn hi vọng ở ông; duy chỉ có thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương vẫn không bỏ rơi ông. Người thầy ấy thường hay đưa ông về nhà ăn cơm và giúp ông nhiều điều.
Thầy giáo Vương từng nói rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”. Những lời nói ấy đã khiến cho ông vô cùng cảm động và chấn động. Từ đó về sau ông đã quyết tâm, nổ lực làm một người có ích cho xã hội.
Vài năm sau Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên nổi tiếng Đài Loan. Trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp; ông nhận thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án khá tinh vi và tỉ mỉ. Sau đó ông đã viết rằng: “Một tên trộm có tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy; nếu hắn làm bất luận việc gì đều sẽ có thành tựu nhất định”.
Ông không nghĩ rằng, một câu nói vô tình năm ấy lại thay đổi được một người thanh niên. Hai mươi năm sau, người ăn trộm đó trở thành một ông chủ doanh nghiệp lớn.
Trong một lần bất ngờ gặp nhau, ông chủ doanh nghiệp nói: “Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong con người tôi. Nó khiến tôi nghĩ rằng; ngoài việc làm một tên ăn trộm ra, tôi cũng có thể làm được những việc đúng đắn khác.”
Sức mạnh của lời nói thiện hơn cả bạc tiền, châu báu
Ngôn ngữ chính là cây cầu kết nối giữa người với người; đồng thời cũng là phương tiện quan trọng để nhận thức thế giới bên ngoài. Vậy nên, nếu muốn nói những lời tích cực, dễ nghe phải luôn giữ cho tâm từ bi và một trái tim thiện lành.
Đặc biệt đối với người tu luyện chân chính mà nói, tu khẩu là một điều rất quan trọng. Cần tu cả từ trong ý niệm đến từng lời nói; cân nhắc kỹ lưỡng “uốn lưỡi ba lần trước khi nói“. Nên nói gì, làm gì đều phải nghĩ đến người khác trước, xem xem liệu điều này với người khác thì có thể chịu được không? Có tổn hại gì không?
Tôn Tử cũng từng nói: “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”.
Lời nói lợi hại tựa như đao kiếm sắc bén. Dùng tốt thì vừa có thể tu hành lại vừa có thể tích đức. Nhưng miệng thông thường lại chính là thứ dễ tạo nghiệp vì khó kiểm soát nhất. Ngày nay, có rất nhiều người có tài ăn nói nhưng tiếc là xuất phát lại không phải từ thiện tâm. Nếu dùng khẩu tài văn tài nhằm mục đích lợi mình hại người thì hậu quả còn đáng sợ hơn. Ngược lại, những người không có tài ăn nói lại ít gieo họa cho bản thân, lại là tốt.
Sức mạnh của lời nói thiện xuất phát từ thiện tâm. Để lan tỏa giá trị tích cực và yêu thương, hãy luôn giữ trái tim thiện lành.