Theo báo Thanh Niên, nhiều sinh viên ở trọ bị kẹt lại ở TP. HCM đang gặp khó khăn về vấn đề thực phẩm ngày càng tăng giá. Gia đình các sinh viên này ở quê bị dịch Covid-19 nên mong nhận được sự hỗ trợ ngay lúc này vì “về cũng không được, mà ở cũng không xong”.

Sinh viên ở TP. HCM lâm cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Chốt chặn ngay cổng vào Làng ĐH, “ranh giới” giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương
Chốt chặn ngay cổng vào Làng ĐH, “ranh giới” giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ, nhiều sinh viên kẹt lại thành phố hoặc khu vực giáp ranh với thành phố; đang gặp khó khăn trong việc không thể ra ngoài mua thực phẩm, tiền chi tiêu không còn nhiều; rau củ quả lại khan hiếm.

Khu đô thị ĐH Quốc gia TP. HCM (còn gọi là Làng ĐH) là nơi tập trung rất đông sinh viên nhưng hiện nay các bạn đang rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Trần Võ Quang Hiếu (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), trọ trên đường T2, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) giáp ranh với TP.HCM cho biết; em đang phải chật vật vì không thể ra siêu thị mua thực phẩm được.

Chuyện bi hài là con đường mà Hiếu trọ một bên thuộc TP. HCM, một bên của tỉnh Bình Dương. Nếu muốn đi ra ngoài Hiếu phải đi qua các chốt kiểm dịch.

“Tôi đi đến chốt ngã ba 621, cảnh sát chặn hỏi đi đâu, nói đi mua thực phẩm, họ yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Thế là, tôi phải quay lại, chạy ra hướng quốc lộ 1A thì gặp thêm chốt gần nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM. Do đó, tôi không thể đi đâu được để mua thực phẩm. Chợ ở đây đã bị cấm hết, còn đi xét nghiệm thì tôi không có đủ tiền”, Hiếu nói.

Đoạn đường một bên thuộc TP.HCM, bên còn lại của tỉnh Bình Dương
Đoạn đường một bên thuộc TP.HCM, bên còn lại của tỉnh Bình Dương (ảnh chụp màn hình).

Sinh viên ăn uống cầm cự qua ngày

Mấy ngày trước, Hiếu thường gọi hàng trên mạng về ăn. Giá cả tăng lên cao, Hiếu ăn uống đạm bạc qua bữa; chờ được hỗ trợ từ nhà trường và chính quyền.

Lê Thị Bích Như (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM) trọ trên đường Phạm Phú Thứ, phường 11, Q.Tân Bình – nơi vừa bị phong tỏa tối 14/7.

Như cho hay, lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát, Như đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống; hiện giờ phải cầm cự nhờ tiền bố mẹ gửi lên. Trong phòng chỉ còn ít rau, thực phẩm không dám mua nhiều, mắm muối cũng vừa mới hết nhưng lại không được ra ngoài. Hiện tại, mình chỉ có thể nhờ người bên ngoài đi chợ giúp.

Hơn một tháng qua, chống chọi với dịch bệnh, nhiều sinh viên bắt đầu kiệt sức. Khi nghe tin về “Siêu thị mini 0 đồng” ở Nhà văn hóa Thanh Niên (Q.1, TP. HCM) có chính sách hỗ trợ; nhiều sinh viên mừng rỡ nhưng rồi lại biết tin siêu thị chỉ hỗ trợ cho sinh viên ở ký túc xá (KTX) chứ không phải ở trọ.

Sinh viên ở trọ mong được hỗ trợ

Phiếu đi chợ của Như
Phiếu đi chợ của Như (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Bích Như khá buồn vì không nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ. Như ngậm ngùi chia sẻ: Chúng tôi cũng là sinh viên, cũng khó khăn như các bạn ấy. Phòng trọ chúng tôi ở ghép 6 người để tiết kiệm tiền; tiện đi học và đi làm thêm chứ đâu phải khá giả gì. Tôi hy vọng sinh viên ở trọ cũng được hỗ trợ như sinh viên ở KTX.

Nguyễn Thị My, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trọ ở hẻm 876, đường Cách mạng tháng 8, P.5, Q.Tân Bình cho biết mình đã đem hết tiền tiết kiệm ra dùng. Bố mẹ ở quê cũng khó khăn do dịch bệnh. My không dám xin thêm tiền mà còn phải ăn uống tằn tiện hơn. “Tôi chỉ ăn đồ khô sống qua ngày, ra chợ xếp hàng đông nhưng đến lượt mình thì không còn gì cả. Về nhà có gì ăn nấy, cũng không biết cố được đến khi nào”, My nói.

Nghe tin về siêu thị mini hỗ trợ sinh viên, vui mừng chưa được bao lâu My lại nghe tin chỉ hỗ trợ sinh viên ở KTX. Tiền dành dụm chẳng còn bao nhiêu, mà không biết dịch kéo dài đến khi nào. My mong các sinh viên ở trọ cũng sớm được quan tâm hỗ trợ để vượt qua đại dịch.

Hiện tại có rất nhiều sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ăn uống cầm cự qua ngày. “Chúng tôi nói với gia đình là mình ổn nhưng thật lòng là không ổn chút nào; sinh viên đều mong nhận được hỗ trợ dù chỉ là gói mì hay bó rau vào thời điểm này”, sinh viên Hiếu nói.