Nóng: Sài Gòn một ngày 2 số liệu ca tử vong, 242 hay 287 người chết; “Đưa được bình oxy lên lầu, bệnh nhân chỉ còn ngước mắt lên, nói vài câu rồi ra đi”.

Sài Gòn một ngày 2 số liệu ca tử vong, 242 hay 287 người chết?

Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc họp báo chiều 27/8 tại TP. HCM, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải cho biết, trong ngày 26/8 có 2.200 bệnh nhân xuất viện, 287 trường hợp tử vong (Đọc toàn bản tin trên Tuổi Trẻ).

Còn theo HCDC, trong ngày 26/8 có 2.121 bệnh nhân xuất viện; có 242 trường hợp tử vong trong ngày (Xem số liệu Tại đây)

Bệnh viện tư đề xuất mức giá chữa bệnh nhân Covid-19

Sở Y tế TP.HCM cho biết, có 11 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, các bệnh viện đề nghị cần có cơ chế thu phí nếu không sẽ không trụ nổi.

Theo Tuổi Trẻ, lãnh đạo một bệnh viện cho biết, khi bệnh viện chuyển đổi toàn bộ công năng để điều trị Covid-19 tức là chấp nhận rủi ro và không có nguồn thu nào. Hiện nay, bệnh viện phải liên tục gồng gánh trong việc mua các thiết bị máy móc và thuốc điều trị hỗ trợ như: máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy thở, máy ECMO, đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao… Cùng lúc đó, lương của nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid tăng lên do phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Trong khi thực tế nhiều bệnh nhân Covid-19 có khả năng và điều kiện để chi trả. Họ sẵn lòng chi trả những chi phí để được chăm sóc, điều trị theo yêu cầu và sẵn sàng chia sẻ một phần ngân sách cho Nhà nước, để Nhà nước có thể sử dụng phần ngân sách đó giúp đỡ người nghèo, chi vào những nội dung khác trong phòng chống dịch. Nếu đủ nguồn lực và kinh phí hoạt động, bệnh viện có thể nhận từ 250 – 300 bệnh nhân, nhưng đến nay bệnh viện đã quá tải 150% công suất.

“Hiện tại chúng tôi đang rất nóng lòng. Nếu tình trạng khó khăn kéo dài như hiện nay, nhiều bệnh viện tư tham gia điều trị Covid-19 chắc chắn đóng cửa bởi chi phí bệnh viện tự chi. Chúng tôi vẫn công khai giá để bệnh nhân có thể tham khảo, nếu bệnh nhân và bệnh viện đồng thuận với mức giá niêm yết có thể lựa chọn điều trị”, một lãnh đạo bệnh viện tư nói (Đọc toàn bài viết trên báo Tuổi Trẻ).

“Ngày mai xem xét hồ sơ cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax”

Đây là thông tin đăng trên báo Thanh Niên sáng nay.

Theo đó, dự kiến, ngày mai, 29/8, các chuyên gia họp xem xét, thống nhất ý kiến về hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp vắc xin Covid-19 Nanocovax.

Cuộc họp dự kiến vào ngày mai có sự tham dự của các chuyên gia Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng Đạo đức), Hội đồng Chuyên môn, Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc… (Đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).

“Đưa được bình oxy lên lầu, bệnh nhân chỉ còn ngước mắt lên, nói vài câu rồi ra đi”

Đây là một trong những câu chuyện xúc động anh Tám Sang – trưởng hội thiện nguyện BDS, ân nhân của nhiều bà con Sài Gòn, kể với MC Ngọc Ánh trong chương trình “Sài Gòn ta thương” – Tập 6.

Kể về hành trình cứu F0 nguy kịch cần oxy, anh Tám Sang xúc động: “Chúng tôi đã từng khóc. Chúng tôi đem bệnh nhân đến phòng cấp cứu. Chúng tôi đã cố hết sức… Bệnh nhân thoi thóp, thoi thóp; trút hơi thở cuối cùng.

Có trường hợp kêu cứu tại nhà; khi chúng tôi ôm được bình oxy chạy lên lầu, thì bệnh nhân chỉ còn ngước mắt lên nhìn chúng tôi, nói vài câu rồi ra đi.

Nhiều lắm, thật sự… Nhưng mà chúng tôi hầu như không còn nước mắt để mà khóc”, anh Sang khiến MC Ngọc Ánh bật khóc theo.

Ảnh chụp màn hình Youtube “Sài Gòn ta thương” – Tập 6.

“Có hôm chúng tôi ôm đứa bé chạy thục mạng tới bệnh viện đợi bé được cứu sống chúng tôi cũng khóc. Đau lắm! Hay có một mẹ bầu nghèo nằm trong vùng đỏ phong tỏa nên khi chuyển dạ không ai dám vô giúp. Khi mình tới nơi thì đứa bé sinh rớt ra ngoài, chính tay mình bồng người mẹ và đứa bé ra xe cứu thương. Mà người mẹ này còn bị dương tính nữa, không có đem theo tiền, tôi cũng gửi cho mẹ bầu này 27 triệu đồng.

Như ngày hôm qua, có mẹ bầu 7 tháng bị lưu thai ở tận Bình Dương ngồi đợi ngoài đường từ 1 đến 7 giờ tối mà không có xe. Khi tôi nhận được điện thoại cầu cứu đã tức tốc chạy đi ngay, vì nếu để thai lưu lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Đưa được mẹ bầu vô phòng cấp cứu thì người chồng hoang mang không biết tiền đâu đưa vợ lên ca mổ, trong khi trong người chỉ có vài trăm ngàn. Tôi đem ra 30 triệu đồng, đóng viện phí 20 triệu đồng còn 10 triệu đồng đưa cho người cha của đứa bé xấu số”, anh Sang kể.

Xem thêm

Từ Khóa: