Những thanh đá cổ được sắp xếp dọc theo dòng suối nước dài hơn 1km ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) được ví như “ghềnh đá đĩa” ở Phú Yên.

Theo báo Lao Động, bãi đá cổ nằm trên cung đường Gia Lai đi Kon Tum. Bãi đá này được người dân địa phương cho là đã hình thành từ triệu năm trước, mới được phát lộ thời gian gần đây.

Các nhà địa chất cũng dự đoán bãi đá đã được hình thành lâu đời nhưng cần phải nghiên cứu thêm và phân tích mới có thể đánh giá chính xác về bãi đá cổ này.

Ở hai bên dòng suối, những thanh đá hình lục lăng xếp chồng lên nhau với hình thù lạ mắt (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Hiện có nhiều người đến tham quan chụp hình, trải nghiệm sau khi vẻ đẹp suối đá được phát lộ.

Bên ngoài, các khối đá bằng phẳng, rắn chắc và hằn in dấu ấn của thời gian (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Anh Phạm Văn Long – người dân thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh – cho biết: “Người đồng bào địa phương đã phát hiện ra bãi đá kỳ thú bên con suối này từ lâu. Với họ, bãi suối đá rất linh thiêng, họ nghĩ rằng chỉ có bàn tay của Yàng (thần linh) mới tạo nên vẻ đẹp hoang sơ của suối đá kỳ vĩ”.

Theo báo Tiền Phong, cộng đồng người dân tộc Jrai vùng này rất tự hào về con suối, bãi đá cổ và mong muốn địa điểm này được bảo vệ,  kỳ vọng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch ở Gia Lai.

Suối đá rộng khoảng 2 ha nhìn từ trên cao như một tổ ong khổng lồ (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).
Những khối đá tuyệt đẹp in dấu thời gian (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Sở VH-TT&DL Gia Lai cho biết, đây là một địa điểm có tiềm năng du lịch, có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích của tỉnh Gia Lai, cần được bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng.