Languishing là trạng thái nếu để kéo dài và không vượt qua được sẽ dẫn đến nhiều hậu quả trong tương lai cho con người.

Trước đại dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua; con người trên thế giới đã trải qua những cảm xúc trái ngược trước những làn sóng thông tin liên tục ập đến. Họ đã bất ngờ, lo sợ, hy vọng rồi lại hoang mang…

Quá nhiều thứ xảy đến và diễn ra trong một khoảng thời gian dài làm cho người ta dễ rơi vào một trạng thái lơ lửng giữa đau buồn và hạnh phúc. Nhưng lẽ nào chúng ta cứ mãi để bản thân phải chật vật giữa những cảm xúc hỗn độn mà không thể thoát ra?

Hãy cùng tìm hiểu Languishing là gì? Và làm cách nào để không bị trạng thái này chi phối.

Languishing là gì?

Languishing là trạng thái trống rỗng, uể oải, không có cảm xúc. Người ở trạng thái này không có biểu hiện của bệnh tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm; nhưng tinh thần của họ lại không hoàn toàn khỏe mạnh.

Languishing là gì?
Nhà tâm lý học Adam Grant ví tình trạng “languishing” như đứa con giữa bị lãng quên – nó không phải là thăng hoa cũng không phải là tuyệt vọng (ảnh: brandstudy.info).

Languishing khiến người ta dần mất đi động lực và sự tập trung trong cuộc sống. Từ đó mà không thể phát huy hết khả năng của bản thân. Nếu để trạng thái này kéo dài sẽ dễ dẫn đến các bệnh tâm lý trong tương lai.

Biểu hiện của Langushing

Những người khác nhau sẽ có biểu hiện và mức độ của trạng thái này khác nhau. Nhìn chung, trạng thái tâm lý này sẽ khiến cảm xúc và hành vi thay đổi không chỉ đối với bản thân mà còn với mọi người và thế giới. Họ có thể từ chối tham gia một hoạt động mà vốn đã yêu thích trước đây; tuy không thể tìm thấy động lực để tham gia; nhưng bản thân cũng không lý giải được vì sao mình không muốn.

Con người khi ở trạng thái Langushing sẽ có biểu hiện:

  • Tâm trạng không vui cũng chẳng buồn.
  • Thường xuyên thấy không có mục đích sống, mất đi động lực.
  • Không quá lo âu nhưng lại thường cảm thấy bồn chồn.
  • Khó có thể tập trung để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể.
  • Cảm thấy xa rời cuộc sống, các mối quan hệ, công việc nhưng không phải vì lý do chán ghét.
  • Không còn thấy hứng thú với bất kể điều gì, dù đó là đam mê hay sở thích trước đây.
  • Cảm thấy bản thân mệt mỏi, trì trệ và kiệt sức.

Làm sao để vượt qua Langushing?

Một điều chắc chắn đó là chúng ta hoàn toàn không biết khi nào cuộc sống mới có thể trở lại bình thường; nhưng cứ để bản thân trôi nổi trong cảm xúc lửng lơ của languishing cũng không phải là điều nên làm.

Trạng thái tâm lý này nếu để kéo dài sẽ gây ra các tác động tiêu cực. Vậy nên, chúng ta chỉ có duy nhất một lựa chọn, đó là phải vượt qua.

Để thoát khỏi cảm giác languishing, chúng ta có thể thực hiện các liệu pháp như dưới đây:

Đưa bản thân vào trạng thái dòng chảy

Theo tờ The New York Times, Adam Grant một nhà tâm lý học cho rằng, trạng thái dòng chảy có thể giúp con người tập trung toàn bộ năng lượng vào việc mình đang làm; thậm chí có thể quên đi không gian và thời gian. Điều đó sẽ giúp duy trì sự hào hứng và tránh khỏi cảm giác mệt mỏi.

Đưa bản thân vào trạng thái dòng chảy
Xã hội ngày nay có vẻ như rất coi trọng những người có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc và cho rằng họ là những “người hùng”. Nhưng sự thật điều đó chỉ làm cho năng lực tập trung suy giảm mà thôi (ảnh: twitter.com).

Khi bị mất tập trung sẽ khó có thể đưa tâm trí vào dòng chảy. Trong thời gian giãn cách; không phải đến nơi làm việc nhưng công việc của mỗi người có thể bị gián đoạn bởi con cái và những công việc trong nhà. Vì vậy, cần tập tạo cho bản thân những khoảng thời gian để làm việc liên tục; sắp xếp để loại bỏ các tác nhân gây phân tán để hoàn toàn có thể tận hưởng việc mình đang làm.

Học điều gì đó mới mẻ

Học hỏi điều gì đó mới sẽ làm kích thích khả năng tập trung của não bộ. Có rất nhiều khóa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau có sẵn trên mạng; hãy thử tìm hiểu một khóa học nào đó, có thể là kỹ năng nấu nướng, ngoại ngữ hay kiến thức bổ trợ cho công việc… Trong quá trình học, luôn tự đặt ra những mục tiêu nhỏ và hoàn thành từng bước. Niềm vui và động lực sẽ luôn đi cùng cảm giác thành tựu được điều gì đó.

Sự sáng tạo cũng có tác dụng tương tự như việc học thêm điều gì đó mới. Thử trải nghiệm cùng liệu pháp nghệ thuật. Điều này có thể giúp mỗi người có thể khám phá cảm xúc của chính mình mà không cần sử dụng lời nói.

Dành thời gian để thật sự nghỉ ngơi

Một khi cảm thấy chán nản, không có động lực làm việc thì đã đến lúc nên dừng lại và thư giãn. Chúng ta có thể xin nghỉ việc một vài ngày hoặc ít nhất là không mang theo công việc đến ngày cuối tuần.

Xem phim, chơi đùa với thú cưng cũng là một gợi ý tốt trong những ngày nghỉ. Những việc làm này có thể xua tan cảm giác tiêu cực đang tồn tại trong tâm trí.

Languishing và năm 2021 - Ai sẽ vượt qua?
Thiền có thể xóa tan căng thẳng, mang lại sự bình yên cho nội tâm của bạn. Nếu căng thẳng khiến bạn lo lắng, và lo âu, hãy thử thiền định.

Tập thể dục nhẹ nhàng, thiền định, yoga; ăn uống đủ chất dinh dưỡng; đi ngủ đúng giờ… cũng là những việc giúp tái tạo năng lượng hiệu quả; đem lại cảm giác vui vẻ, phấn chấn hơn cho mỗi người.

Thử thay đổi môi trường xung quanh

Khi sống và làm việc trong một không gian quen thuộc quá lâu; cũng có thể đem lại cảm giác nhàm chán. Do đó, việc cân nhắc thay đổi môi trường xung quanh cũng là điều nên thử nghiệm.

Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất; ví dụ như thay vì làm việc trong phòng ngủ hãy chuyển ra ban công; đổi vị trí của máy tính đến cạnh cửa sổ để có thể ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài… Sơn lại phòng ngủ; cắm hoa tươi trên bàn làm việc cũng sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Languishing sẽ trở nên nguy hại nếu chúng ta không biết cách để vượt qua nó. Do vậy, hãy luôn tích cực và lạc quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.