Dạy học sinh sử dụng máy tính không chỉ là những bài học về lập trình hay kỹ thuật, mà đó là hành trình giúp các em làm chủ cuộc đời giữa bão tố thông tin.

Một buổi chiều cuối thu, ánh nắng dịu dàng len lỏi qua cửa sổ lớp học; những tia nắng vàng rực phản chiếu lên những gương mặt hồn nhiên của đám học trò. Thầy Phạm Văn Điệp đứng lặng trước bảng trắng, đôi mắt ánh lên sự trầm tư. Trước mắt thầy là cả một thế hệ đang lớn lên trong thời đại mà mạng xã hội và công nghệ phủ kín mọi ngõ ngách cuộc sống.

Với tư cách là một giáo viên tin học, thầy nhận thức rõ rằng, việc dạy cho các em sử dụng máy tính không chỉ là những bài học về lập trình hay kỹ thuật; mà quan trọng hơn, đó là hành trình giúp các em hiểu cách đối mặt với thế giới số hóa; làm chủ cuộc đời giữa bão tố thông tin.

Làm chủ cuộc đời giữa bão tố thông tin

Có một điều làm thầy trăn trở suốt nhiều năm đứng trên bục giảng; đó là làm sao để các em biết phân biệt giữa giá trị thật và ảo; giữa đam mê chân chính và sự xao nhãng nhất thời. Trong một thế giới mà những cú “like” và “share” nhanh chóng chiếm lĩnh tư duy của học sinh; thầy Điệp cảm thấy cần phải hướng dẫn các em vượt qua cám dỗ, lấy lại bản lĩnh sống và đam mê học tập.

Một ngày nọ, trong giờ giải lao, thầy thấy cậu học trò tên Nam ngồi lặng lẽ ở cuối lớp. Nam vốn là một cậu bé thông minh, nhưng gần đây cậu bắt đầu xao nhãng việc học. Hằng ngày, cậu dành hàng giờ đồng hồ trước màn hình điện thoại; lạc lối trong những trò chơi và dòng trạng thái vô nghĩa trên mạng xã hội. Nhìn thấy đôi mắt cậu chìm trong sự mệt mỏi, thầy Điệp nhẹ nhàng bước tới; ngồi xuống bên cạnh và hỏi: “Em sao thế Nam? Có chuyện gì mà em lo lắng vậy?”

Nam thoáng giật mình, rồi buông điện thoại xuống, thở dài: “Thầy ơi, em thấy chán quá. Học hành không còn hứng thú gì nữa, em chỉ muốn chơi game cả ngày. Mỗi khi em định ngồi vào bàn học, mạng xã hội cứ kéo em đi, em không biết phải làm sao cả.”

Game hay mạng xã hội chỉ là những con sóng

Thầy Điệp nhìn Nam, ánh mắt vừa trầm tư, vừa cảm thông. Thầy biết, không chỉ riêng Nam mà rất nhiều học sinh khác cũng đang lạc lối trong thế giới ảo; bỏ bê những giá trị thực sự của cuộc sống. Sau một hồi im lặng, thầy nhẹ nhàng nói: “Em biết không, cuộc sống của chúng ta giống như một dòng sông. Có những đoạn sông êm đềm, nhưng cũng có những lúc sóng to gió lớn, cuốn phăng mọi thứ mà nó gặp. Nếu em thả mình trôi theo dòng nước mà không có định hướng; sớm muộn gì em cũng bị cuốn trôi xa bờ, mất phương hướng.”

Nam ngồi lặng im, đôi mắt dần dần hiện lên sự suy tư.

“Nhưng nếu em biết cách cầm lấy mái chèo của mình, kiểm soát dòng chảy, thì dù sóng lớn có đến thế nào, em cũng sẽ có thể vượt qua”, thầy Điệp tiếp tục. “Cái mái chèo đó chính là niềm đam mê và trách nhiệm của em đối với cuộc đời mình. Game hay mạng xã hội chỉ là những con sóng, nếu em để chúng kiểm soát, em sẽ mãi chỉ trôi nổi. Nhưng nếu em biết điều khiển nó, biết giữ cho mình một mục tiêu, một đam mê đúng nghĩa, em sẽ có sức mạnh để vượt qua tất cả.”

Giúp học sinh làm chủ cuộc đời giữa bão tố thông tin của một giáo viên Tin học

Nam nhìn thầy, ánh mắt lấp lánh một tia sáng hy vọng. “Nhưng em sợ mình không đủ mạnh để vượt qua, thầy ạ. Mỗi khi em cố gắng ngồi vào bàn học, những trò chơi lại kéo em đi.”

Sức mạnh không phải là thứ sinh ra đã có sẵn, nó có được nhờ rèn luyện

Thầy Điệp mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: “Sức mạnh không phải là thứ chúng ta sinh ra đã có sẵn, nó được rèn luyện qua từng hành động nhỏ. Ngày hôm nay em có thể quyết định chỉ chơi game một giờ thôi, và dành thời gian còn lại để học. Ngày mai em sẽ mạnh mẽ hơn một chút, và rồi dần dần, em sẽ trở thành người làm chủ cuộc đời mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng thất bại hôm nay có nghĩa là thất bại mãi mãi. Chính sự kiên trì, từng bước nhỏ mà vững chắc, sẽ giúp em tạo nên sức mạnh của bản thân.”

Thầy Phạm Văn Điệp – Giáo viên tin học công tác tại trường Bắc Kiến Xương, luôn nỗ lực giúp học sinh vượt qua cám dỗ từ mạng xã hội, khơi dậy niềm đam mê học tập. Tận tâm và sáng tạo, thầy không ngừng tìm kiếm phương pháp giáo dục hiệu quả nhằm bảo vệ học sinh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của internet, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của các em.

Từ ngày hôm đó, Nam bắt đầu thay đổi. Cậu dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội, bắt đầu tập trung vào việc học; và tham gia các hoạt động ngoại khóa mà trước đây cậu đã bỏ qua. Thầy Điệp vẫn dõi theo từng bước tiến của cậu, không vội vã, không ép buộc; mà nhẹ nhàng khuyến khích. Và Nam, như một con thuyền nhỏ giữa dòng, dần dần biết cách điều khiển tay chèo; vượt qua những sóng gió của cuộc đời mình.

Triết lý nhân sinh của thầy giáo trẻ

“Cuộc đời mỗi người được ví như một dòng sông; năm tháng trôi qua không phải lúc nào cũng là những tháng ngày êm ả. Nó là một hành trình có thăng trầm, có gập ghềnh; có bình yên, có những lúc chính người trong cuộc cảm thấy bất lực không lối thoát. Tuy nhiên, trời ban cho mỗi chúng ta sức mạnh tiềm ẩn; nếu trước những cơn sóng dữ bản thân mình kiên định, trách nhiệm và coi những khó khăn kia chỉ là một sự kiện cần vượt qua thì lúc đó sóng gió kia một thoáng đã chẳng còn.”

Triết lý nhân sinh đó, chính bản thân thầy thể nghiệm được và cũng là kim chỉ nam trong cuộc hành trình của thầy. Trên tất cả, thầy Phạm Văn Điệp cũng hy vọng truyền cảm hứng đến các lứa học sinh của mình kể cả trong học tập; cũng như trong cuộc sống hay bất kỳ một ngã rẽ nào các em đều sẽ tự biết nắm giữ, tự biết xây dựng tương lai rộng lớn.