Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là khi bạn biết sống vì hạnh phúc của chính mình. Nếu bạn sống chỉ vì sự ngưỡng mộ của người khác, thì cuộc sống đâu còn ý nghĩa gì?
Một lần đến nhà một người bạn chơi, tôi thấy trên bàn trà có một chiếc chìa khóa ô tô. Tôi chơi với cô ấy cũng được 2 – 3 năm rồi, nhưng không chưa biết nhà cô ấy có xe hơi; cũng chưa bao giờ nghe cô ấy kể về chuyện đó.
Thấy tôi có vẻ đang thắc mắc, cô ấy liền tâm sự rằng, vốn dĩ nhà cô ấy không cần phải mua xe hơi; nhưng vì thể diện nên mua thôi. Các anh em của chồng khi đã lấy vợ đều mua nhà, mua xe. Khi đến lượt anh ấy kết hôn, nếu không được như các anh em thì anh ấy sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Vì vậy, hai vợ chồng phải vay mượn thêm để mua chiếc xe này.
Mua xe xong, ngoại trừ mỗi năm hai lần ra ngoại thành chơi; còn lại là để trang trí, không đi đâu. “Chẳng có gì lạ khi chúng mình chẳng đi đâu. Nhưng mỗi tháng tiền gửi xe, rồi phí bảo trì cũng ngốn một khoản lớn. Giờ hai vợ chồng nhiều lúc cũng muốn đi ra ngoài ăn vài món ngon, sắm vài bộ đồ mới; nhưng chỉ nghĩ đến việc chi tiêu cho chiếc xe cũng khiến mọi dự định phải dập tắt”.
Xem nhanh
Hãy sống để chính mình hạnh phúc, đừng sống để được người khác ngưỡng mộ
Bởi thế, việc lắng nghe chính mình, từ nội tâm hướng ra bên ngoài tìm kiếm giá trị sống mới có thể cảm nhận được những vui vẻ đích thực. Đi theo nhịp sống của người khác, từ cái vẻ hào nhoáng bên ngoài mà hướng vào nội tâm để điều chỉnh nhịp sống của mình, cứ như vậy thì cuộc sống của mình sẽ rất dễ bị người khác lôi kéo.
Điều ngốc nghếch nhất là chúng ta làm tất cả mọi chuyện sao cho bằng anh bằng em; bằng cả sự cố gắng và nhiệt huyết của bản thân; nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết tại sao mình phải làm vậy.
Thước đo tiêu chuẩn của hạnh phúc không phải là bạn có bao nhiêu thứ; bạn có bao nhiêu món đồ mà là bạn có thể nhìn thấy bản thân mong muốn có được bao nhiêu thứ.
Con người không hạnh phúc là bởi họ cứ muốn trở thành người khác…
Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này: Con heo nói rằng nếu tôi được sống thêm một đời nữa, tôi xin được làm con bò; công việc tuy vất vả một chút nhưng được tiếng tốt được mọi người yêu mến.
Bò bảo rằng nếu để mình sống kiếp khác, mình ước được làm heo, ăn no rồi ngủ, ngủ đủ rồi lại ăn; không mất sức, không đổ mồ hôi, cuộc sống hạnh phúc như cổ tích. Chim ưng nói nếu tôi được sống lại, tôi sẽ là một con gà. Lúc khát có nước, đói có gạo, ngủ có chuồng, có người giám hộ. Gà lại nói nếu để tôi sống lại, tôi phải là chim ưng; có thể bay trên trời xanh, bay khắp năm châu bốn biển, muốn làm gì thì làm nấy.
Điều ước của những con vật trong truyện ngụ ngôn đúng như những gì chúng ta vẫn thường làm: Rất ít người khao khát được là chính mình; thay vào đó họ cứ ngưỡng mộ những món đồ của người khác; công việc của người khác, những đứa con ưu tú của người khác; những chiếc xe hơi đời mới của người khác. Chúng ta dường như quên rằng bản thân chúng ta đôi khi cũng là đối tượng của sự ngưỡng mộ.
Người khác có thể ngưỡng mộ bạn vì tài năng, ngưỡng mộ cuộc sống nhàn nhã của bạn; hay những đứa con ngoan ngoãn của bạn, chỉ là bạn không biết điều đó. Ngược lại, bạn cũng không biết rằng người mà bạn ngưỡng mộ có thể đang phải chịu rất nhiều áp lực; ăn không ngon, ngủ không yên, hay những đau buồn mà họ không thể bày tỏ.
Để có được hạnh phúc đều cần sự nỗ lực và cố gắng…
Hạnh phúc cũng giống như việc chúng ta uống nước, ấm hay lạnh, chỉ bản thân mình biết. Bạn không phải là tôi, làm sao bạn có thể hiểu được chặng đường tôi đã đi qua; có niềm vui hay nỗi khổ trong tâm?
Bạn nhìn thấy kết quả học tập tốt của bạn bè và bắt đầu ngưỡng mộ; nhưng bạn có biết họ cần phải nỗ lực hàng ngày; miệt mài suy nghĩ, làm việc ngày đêm như thế nào không? Bạn ngưỡng mộ một minh tinh màn bạc với thân hình nuột nà nhưng bạn có biết cô ấy luôn tính toán từng centimet; ăn kiêng để giữ dáng, có khi chỉ ăn một bữa trong ngày không?
Bạn ngưỡng mộ một người đạt được rất nhiều thành tích; nhưng ai biết được, có thể họ đang gánh vác nhiều trách nhiệm và rủi ro hơn người bình thường?
Bạn ngưỡng mộ một người có thể đi đây đi đó; đi khắp nơi mà không bị gò bó hay vướng bận gì cả. Nhưng điều đó lại cho thấy mặt trái của vấn đề là người đó còn phải lo lắng về sự nghiệp không ổn định của mình; hoặc túi tiền cũng sẽ mỏng dần vì chi phí đi lại, phải không?
Mỗi câu chuyện đều giống như hai mặt của một đồng xu, hay hai mặt của một tấm huy chương; nó có mặt phải và mặt trái. Khi chúng ta ngưỡng mộ người khác, cũng là lúc chúng ta không nhìn thấy nỗi đau, sự phiền muộn trong lòng mà họ không bộc lộ cho người khác biết.
Thế nên, hạnh phúc của chính mình là khi ta biết đủ…
Cuộc đời không ai là hoàn hảo nên không cần phải ngưỡng mộ người khác. Chỉ cần hiểu rằng mọi người đều có vấn đề của họ; và bạn có hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của người khác không liên quan đến hạnh phúc của bạn.
Nếu bạn biết mình cần gì, bạn sẽ không phải ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác. Nếu bạn không biết mình cần gì thì ngay cả khi bạn đang hạnh phúc; nhưng vẫn cảm giác thấy là chưa đủ. Và chỉ khi “biết đủ” con người mới thấy an nhiên và hạnh phúc.
Và hạnh phúc không phải là có được sự khen ngợi và cổ vũ của người khác; mà là không phải thất vọng về mỗi ngày mình đang sống, không phải hối tiếc vì điều đó.
Vậy nên sống ở đời, hãy sống vì hạnh phúc của chính mình, đừng sống vì sự ngưỡng mộ của người khác.
Xem thêm: