Bà Phạm Kim Hoàng (sinh năm 1951, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở tuổi 71. Để có được ngày bảo vệ luận văn, suốt 4 năm qua, mỗi lần tới lớp bà phải đi trên dưới 200km từ Tiền Giang lên TP. HCM qua 6 chuyến xe buýt.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, bà Kim Hoàng xuất thân là giáo viên dạy văn, khi về hưu bà vẫn muốn được đi học để làm gương cho con cháu. Gần đây, bà vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh với đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang” đạt 7.4 điểm tại trường ĐH Văn Hiến.

Bà Phạm Kim Hoàng đang bảo vệ luận văn ngành quản trị kinh doanh (ảnh chụp màn hình).

Về lý do chọn đề tài luận văn, bà Hoàng nói “mình là người Tiền Giang, ở cách Cái Bè (có làng cổ Đông Hòa Hiệp) khoảng chừng 12km. Bà từng nhiều lần đi chợ nổi Cái Bè nhưng chưa từng biết gì về làng cổ này.

Trên một chuyến xe buýt, bà nghe người ta nói về lễ hội làng cổ sắp được tổ chức ở Cái Bè, bà đến lễ hội và ý tưởng làm bài luận văn xuất phát từ đây. “Mình  là dân trong tỉnh mà còn không biết có làng cổ nên cũng muốn làm gì đó để du khách các nơi biết tới điểm du lịch này. Khoảng cách cũng gần nhà, thuận lợi cho việc đi lại để tìm hiểu và thu thập tư liệu làm bài luận văn”, bà Hoàng cho biết.

Niềm vui đến trường

Ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ của bà là kết quả của sự lỗ lực không ngừng nghỉ, ghi dấu 4 năm ngược xuôi với quãng đường hàng trăm cây số.

Ảnh chụp màn hình

Có những buổi tan học muộn, xe buýt không còn chuyến, bà phải đi xe ôm từ trường ra bến xe Miền Tây để đón xe khách về nhà, có những ngày 23h mới về đến nhà. “Trong lớp cũng có nhiều bạn ở xa, vướng bận con nhỏ mà vẫn sắp xếp đi học được. Tôi thấy mình vẫn còn thoải mái hơn các bạn ấy nhiều”, bà Hoàng nói.

Bà kể thêm: “Tôi là giáo viên dạy văn, khi nghỉ hưu cũng thấy trống trải nên muốn tìm cái gì đó để học. Các chương trình trực tuyến không có chuyên ngành văn, nên tôi thử tìm hiểu các ngành khác và cuối cùng lựa chọn ngành quản trị kinh doanh”.

Cơ duyên học ngành quản trị kinh doanh của bà bắt nguồn từ đó. Nhưng việc học đối với bà không chỉ là kiến thức mà còn là rèn luyện trí lực và sức khỏe. Bà cho rằng người lớn tuổi ở nhà ít vận động sẽ không tốt. Đi học tuy vất vả nhưng giúp mình vận động cơ thể liên tục, đầu óc minh mẫn. “Mỗi người hưu trí có cách sử dụng thời gian khác nhau. Với tôi việc đến lớp là niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui sẽ có được hạnh phúc”, bà Hoàng vui vẻ chia sẻ.

Những khó khăn không làm chùn bước

Vốn là giáo viên dạy văn, lại lớn tuổi, việc học với bà Hoàng lúc đầu là điều rất khó khăn. Không chỉ là các khái niệm và kiến thức chuyên ngành mà còn cả việc tính toán và ghi nhớ công thức.

Bà chia sẻ “khi học có những khái niệm, công thức bà đọc rất nhiều lần mà vẫn không hiểu. Bà chọn cách học thuộc lòng trước để khi gặp giảng viên sẽ hỏi lại. Thế nên, chương trình lý thuyết  bà luôn hoàn thành đúng tiến độ”.

Ảnh chụp màn hình.

Gần hết quãng thời gian đi học, lẽ ra bà Hoàng có thể làm bảo vệ luận văn sớm hơn nếu bà rành công nghệ. Bà phải xem hướng dẫn trên mạng để chèn ảnh và biểu đồ vào bài. “Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần, nhờ sự giúp đỡ của người khác nữa mới hoàn thành. Do đó việc làm luận văn chiếm rất nhiều thời gian của tôi”, bà nói.

Hiện tại, bà còn học thêm tiếng Anh trên mạng, “có tuổi nên học hoài mà không vào đầu, nhưng không sao còn học là còn vui, còn hạnh phúc, còn thấy có ý nghĩa”.

Tiến sĩ Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng danh dự trường ĐH Văn Hiến cho biết, ông rất ấn tượng bài luận văn của bà Kim Hoàng, nhưng ấn tượng hơn cả là hành trình đi tới đích của bà, đây là hình ảnh rất đáng ngưỡng mộ.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến – ông Lê Sĩ Hải thông tin thêm: “Đối với trường hợp của cô Kim Hoàng, ngoài việc vinh danh một tấm gương học tập không ngừng nghỉ của cô trong Lễ tốt nghiệp sắp tới, nhà trường sẽ miễn phí 100% học phí nếu cô Hoàng có nhu cầu học ngoại ngữ, tin học, các khóa kỹ năng mềm khác…“