Duyên phận là một điều gì đó vô hình mà con người không nhìn thấy được. Nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó và nhận ra nó.

Xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Nghĩa là nếu có duyên với nhau thì có xa nghìn dặm vẫn gặp được nhau. Còn không có duyên thì có đối diện cũng là không quen biết. Thật vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã đối diện với biết bao nhiêu người. Có những người mới gặp nhau đã cảm thấy quý mến như người thân. Cũng có những người mới gặp nhau đã như là kẻ thù của nhau.

Trong tôn giáo lý giải duyên phận giữa con người là nhân duyên đã tạo với nhau từ nhiều kiếp trước. Duyên phận rất khó đoán. Người ta vẫn nói rằng, duyên là do trời định, phận do nhân định. Gặp được nhau là do ý trời, nhưng quyết chí đến với nhau lại là ở mỗi người. Tuy nhiên, ở bên nhau rồi, phận ngắn hay dài lại là điều không ai có thể nói trước.

Duyên Phận do tạo hóa an bài
Duyên Phận do tạo hóa an bài

Duyên phận là có an bài

Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta sẽ gặp gỡ không ít người. Người mà bạn gặp nếu từng có ân với bạn từ tiền kiếp thì bạn sẽ có cảm giác rất thân thuộc. Có người vừa mới gặp là đã thấy ghét. Bạn sống trong gia đình, thân thiết với ai, không thân với ai, yêu thương ai. Bạn làm việc trong cơ quan nào, vị trí nào, ai đối xử tốt với bạn, ai hay hiềm khích với bạn. Đó đều không hề ngẫu nhiên.

Trong cuộc sống cũng có không ít câu chuyên được kể lại về nhân duyên. Có câu chuyện được viết lại trong các tác phẩm nghệ thuât.Có nhiều câu chuyện được dân gian truyền miệng, kể cho nhau nghe. Cũng có những điều do chính bạn chứng kiến và trải nghiệm.

Câu chuyên nhân duyên

Xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện cổ của Phật gia để giúp hiểu hơn về nhân duyên.

Duyên phận gặp Phật Tổ

Tại Quan Âm miếu, thường ngày có rất nhiều người đến bái Phật, khói hương không ngớt. Trên cây xà trước miếu có con nhện chăng tơ, hằng  ngày đều nghe kinh Phật nên dần có xuất ra Phật tính. Trải nghìn năm nhện đã đắc linh khí.

Một ngày, Phật dáng xuống ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, cảm thấy hài lòng. Bỗng vô tình nhìn thấy nhện trên xà.

Phật liền nói với nhện: “Ta hỏi ngươi một câu, xem một nghìn năm nay, ngươi tu luyện có thông tuệ chăng”

Nhện được Phật tri ngôn quả là cầu chẳng được, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Trên đời này thứ gì là trân quý nhất?”

Nhện ngẫm nghĩ, rồi đáp: “Trên đời này quý nhất là những gì không đạt được và những gì đã mất đi!”. Phật liền gật đầu rồi rời đi.

Do duyên phận mà gặp được Phật nghe được Pháp
Phật hỏi: trên đời này, thứ gì là trân quý nhất?

Hữu tâm bất vô vi

Lại thêm một nghìn năm nữa trôi qua. Nhện càng tu luyện tinh tấn, đạo hạnh cũng cao lên.

Một ngày, Phật lại đến miếu nọ, hỏi nhện: “Ngươi còn nhớ câu hỏi nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi có thể hiểu tỏ tường hơn chăng?”

Nhện nói: “Con cảm thấy trên đời này trân quý nhất vẫn là “thứ không đạt được” và “thứ đã mất đi” ạ!”

Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ thêm đi, ta sẽ lại đến tìm ngươi.”

Một nghìn năm tiếp nữa lại qua đi. Một hôm, gió lại nổi lên, cuốn một hạt sương đọng lên trên mạng nhện. Nhện nhìn giọt sương, cảm thấy long lanh trong suốt, đẹp đẽ quá, nhện có phần vui thích.

Ngày ngày nhìn giọt sương nhện cũng vui, nó thấy đó là những ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lại nổi lên, cuốn giọt sương đi. Giây phút đó nhện cảm thấy một sự mất mát, đau buồn.

Vào lúc đó Phật lại đến, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Trên đời này cái gì trân quý nhất?”

Nhện liền nghĩ đến giọt sương, đáp rằng: “Trên đời này cái trân quý nhất chính là cái ta không có được và cái đã mất đi.”

Phật bảo: “Tốt, nếu ngươi đã nhìn nhận thế, ta cho ngươi một lần sống ở cõi người nhé!”

Duyên phận: Chuyển sinh làm người

Thế là, nhện chuyển sinh thành tiểu thư nhà quan lại, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, nhà vua mở tiệc mừng tân trạng nguyên Cam Lộc trong vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp dự tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Tân trạng nguyên trổ tài thi ca, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc phải siêu lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen. Bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa đến cho nàng.

Vài ngày sau, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật. Tình cờ Cam Lộc cũng đưa mẹ đến miếu. Lễ Phật xong, cùng ngồi nói chuyện với nhau. Châu Nhi và Cam Lộc cũng tâm sự ngoài hành lang. Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu. Nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

Tình là dây oan

Châu Nhi hỏi Cam Lộc rằng: “Chàng còn nhớ con nhện trên xà miếu Quan Âm mười sáu năm trước chăng?”

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá chăng?”. Nói rồi, cùng mẹ đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này. Tại sao không để cho chàng nhớ ra chuyện trước kia. Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình gì với ta? Vài ngày sau, vua xuống chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong. Châu Nhi kết duyên vợ chồng cùng thái tử Chi Thụ. Tin như sét đánh bên tai, nàng không hiểu vì sao Phật lại tàn nhẫn với mình như thế.

Châu Nhi bỏ ăn bỏ uống, trong lòng đau đớn. Vài ngày sau thân xác nàng tiều tụy, sinh mệnh chỉ còn thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ nghe tin, vội vàng đến, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, khi thấy nàng trong vườn ngự uyển. Ta đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương cho ta cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta cũng không thiết sống nữa.” Nói rồi, toan rút gươm tự sát.

Nhận ra được thứ trân quý nhất

Ngay thời khắc ấy, Phật đã xuất hiện. Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ chưa, giọt sương (Cam Lộc) là ai đã mang đến bên ngươi? Là gió (Trường Phong) mang đến đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc ngắn ngủi được thêm vào cuộc đời ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó. Anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm rồi, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này thứ gì là trân quý nhất?”

Nghe Phật giảng, Nhện chợt tỉnh ngộ và nói với Phật: “Thế gian này thứ trân quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi. Mà chính là hạnh phúc hiện tại mà ta đang nắm giữ!”

Vừa dứt lời, Phật đã biến mất, linh hồn Châu Nhi quay lại trở thân xác. Nàng mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…

Duyên phận nào ai biết ai ngờ
Châu Nhi đỡ lấy thanh kiếm từ Chi Thụ (nguồn: internet)

Câu chuyện đã cho ta thấy được duyên phận con người là có sự an bài của tạo hóa. An bài dựa trên những nhân duyên của chúng ta từ đời trước. Không việc gì trên đời này là ngẫu nhiên cả. Mọi sự việc xảy ra trong đời mỗi chúng ta đều có nguyên do của nó. Đó chính là cái mà chúng ta hay nói là duyên phận.