Theo nhận định của VAFI, lãi suất tiền gửi trung và dài hạn ở Việt Nam hiện đang ở mức “rất cao” so với nhiều nước, dẫn đến lãi suất cho vay cao gấp 2-3 lần.

Theo Vietnamnet, sáng ngày 22/6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Kinh tế Trung ương đề xuất giảm dần lãi suất tiền gửi về 0% /năm.

Theo VAFI, mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng. Thậm chí có nước còn duy trì mức lãi suất âm (thu phí gửi tiền). Chính sách này nhằm đảm bảo lãi suất cho vay cực thấp (2-5%). Từ đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Tài liệu của VAFI cũng dẫn chứng rằng ngay cả một số nước ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đã áp dụng lãi suất tiền gửi nội tệ ngắn hạn là 0% trong khi lãi suất tiền gửi dài hạn từ 0,2-0,7% /năm.

Hướng dòng tiền có lợi cho nền kinh tế

Tại Việt Nam, tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn ở mức 3,5-6,2%. Theo VAFI, đây là mức “rất cao” so với các nước nói trên, nên lãi suất cho vay cao gấp 2-3 lần. Đây được coi là một thiệt thòi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; cũng như một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình.

Lãi suất tại Việt Nam đang “neo” ở mức cao, theo VAFI, nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế; thay vì thị trường bất động sản hoặc ngoại tệ.

VAFI đánh giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước và nhờ đó; dòng tiền rất lớn đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán.

VAFI cho biết Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan và vững chắc để nhanh chóng hạ lãi suất huy động về 0% như tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu hỗ trợ thu ngoại tệ lớn và các dự báo. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh; hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh thời gian qua bất chấp dịch Covid-19…

Đề xuất gây 'sốc': Đưa lãi suất tiền gửi ngân hàng về 0%
Ảnh minh họa.

Cách hạ lãi suất về 0% được VAFI đề xuất

Để hiện thực hóa đề xuất trên, VAFI đã đưa ra hàng loạt giải pháp; trong đó đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh mẽ dòng tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản.

Theo VAFI, có thể áp dụng hình thức thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm thu ban đầu đủ thấp để ngăn chặn dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ ở các nước. Giải pháp này được cho là tiền đề để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Hiệp hội này cũng khuyến nghị hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp. Dưới 2%/năm để hệ thống ngân hàng huy động được nguồn vốn lớn với kỳ hạn dài; làm cơ sở cho vay trung dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới 5%/năm.

Để làm được điều này, theo VAFI, Bộ Tài chính cần sửa đổi chính sách bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu và thuế lợi tức trái phiếu đối với tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ lãi suất huy động.

VAFI cho biết cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách hàng năm. Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, cần giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Đủ sức đối phó với mọi khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Nhận định của Chuyên gia kinh tế

Theo báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hệ quả của việc đưa lãi suất về 0% là tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Tạo ra nhiều rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và các lĩnh vực khác. Do đó, nếu lãi suất bồi thường cho rủi ro bằng 0 thì rủi ro phải bằng 0. Điều này ở Việt Nam hiện nay là không thể vì các ngân hàng đều có rủi ro nhất định.

Hiện tại, chỉ có trái phiếu chính phủ tại thị trường nội địa Việt Nam là không có rủi ro. Còn các công cụ tài chính của các tổ chức tài chính khác đều có rủi ro. Giả sử áp dụng lãi suất 0% trong khi lạm phát khoảng 3,5%; với mức lạm phát như vậy thì người gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất thực là -3,5%. Như vậy, người dân sẽ đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, ngoại tệ nhập lậu…Hoặc các kênh đầu tư không chính thống như tiền ảo, sàn giao dịch đa cấp. Điều này gây xáo trộn hệ thống tài chính.