Không chỉ học sinh và phụ huynh, nhiều thầy cô giáo cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực từ việc dạy học trực tuyến.
Dạy học trực tuyến liên tục gặp khó khăn
Gần đây, “Khó khăn” là từ được nhắc lại rất nhiều lần trong các báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức dạy học trực tuyến trong những ngày đầu tiên của năm học mới.
Theo tờ Thanh Niên, khoảng 70% học sinh bị thiếu thiết bị. Nhiều nơi không thể tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Một số địa phương chỉ tập trung ưu tiên dạy cho các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12.
Ngoài thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet cũng gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy học.
Tờ VTC News đưa tin, cô giáo Trần Ngọc Hảo (ở Đống Đa, Hà Nội), là giáo viên dạy toán khối 7,8,9 theo ba khung giờ sáng, chiều, tối. Ngày nào cũng vậy, nói là 3 tiết học nhưng thời gian thực dạy kéo dài bằng 4 – 5 tiết trên lớp. Nguyên việc ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, rớt mạng ra vào liên tục cũng chiếm một nửa thời gian học.
Dạy 3 buổi mới hết kiến thức 1 bài
Cô Hảo chia sẻ: Cô bị áp lực rất lớn về tiến trình giáo án và tốc độ giảng bài. Như tuần qua, học 3 buổi online mới hết kiến thức của một bài. So với học trực tiếp trên lớp, số lượng kiến thức này chỉ cần một buổi là xong.
Cô Hảo cho biết thêm, nguyên nhân của việc trên là do đường truyền kém; học sinh và giáo viên bị rớt mạng liên tục. Mỗi lần có bạn bị đẩy ra ngoài là phải dừng bài học để đợi các em vào.
Do không có nhiều thời gian, cô phải xin tổ bộ môn cắt bớt một số phần lý thuyết; dặn học sinh tự học trước ở nhà và tăng cường lấy ví dụ và bài tập dễ để học sinh hiểu bài hơn.
Ngoài ra cô phải giao thêm nhiều bài tập, nhờ phụ huynh giám sát con cách học. Từ đó giáo viên sẽ đánh giá được học sinh của mình có hiểu bài hay không? Chỉ khoảng 40% – 50% là học sinh hiểu bài.
Thầy Nguyễn Ngọc Quỳnh (ở Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng cho biết, sau một tuần triển khai học trực tuyến, cả thầy và trò vẫn chưa hoàn thành xong bài thứ 2 môn Toán lớp 8. Một phần do đường truyền mạng không ổn định, học sinh không thể tập trung. Nhiều em không thể học do thiếu thiết bị điện thoại hoặc máy tính. Điển hình buổi học sáng qua, 23 học sinh vắng; sáng nay 19 em vắng. Các em không có máy tính, phải học bằng điện thoại của phụ huynh.
Tuy nhiên, khi bố mẹ vắng nhà thì các em sẽ nghỉ học. Để đảm bảo kiến thức và tiến độ cho các học sinh bị thiếu thiết bị, thầy Quỳnh thường phải gửi tài liệu trực tiếp sau đó nhắn phụ huynh sát sao dạy con học. Thầy Quỳnh cũng lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài thì chất lượng dạy học rất khó đảm bảo.