Trong một đêm mưa gió 12 năm trước, bà Khước sinh ra Đức. Thấp thoáng trong bóng tối lờ mờ, bà ngất xỉu khi thấy đứa con khuyết hai bàn tay và một bên chân.

Đứa con khuyết tay chân của người đàn bà lam lũ

Một đêm mưa năm 2009, trên làng Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), bà Khước trở dạ sinh người con út. Đêm mưa tầm tã trên mảnh đất Tây Nguyên, vừa mở mắt nhìn đưa con chào đời, sản phụ gần 30 tuổi ngất xỉu. Đứa con trai của bà hình hài khác biệt: Không có 2 bàn tay, khuyết cả một chân. Chồng bà nhìn đứa con mới sinh, rồi lại ngẫm cảnh nhà: Đứa con đầu bị câm điếc bẩm sinh, hai đứa ở giữa may mắn lành lặn, nhưng đến con út giờ lại vậy… Chán nản, người đàn ông trụ cột trong nhà dần nát rượu và một tháng sau bỏ nhà đi.

Từ đó, bà Khước ở một mình, gồng gánh nuôi bốn đứa con. Vất vả, cực nhọc nhiều vô kể! Báo Gia Lai cho biết, để kiếm tiền lo cho gia đình, bà nhận làm cỏ cà phê, gặt lúa, phục vụ nhà hàng hay thậm chí đi… nhặt phân bò. Dù vậy, nhà vẫn nghèo quá, nên 2 đứa con sinh đôi lành lặn, khỏe mạnh cũng đành sớm nghỉ học.

Cậu bé khuyết tay chân được mẹ chở đi đá bóng
Mỗi chiều thứ 3, Đức lại được mẹ chở đến sân bóng để chơi bóng cùng các bạn (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Mong đứa con tật nguyền lớn lên làm người tốt, bà đặt tên cậu bé là Đức. Chẳng biết có phải được ‘vía’ từ cái tên không mà Đức rất ngoan ngoãn, lại được nhiều người thương mến. Biết gia cảnh bà Khước, một số nhà hảo tâm ở Sài Gòn đã liên hệ để xin nhận nuôi Đức nhưng bà từ chối vì không nỡ xa con. Đói no gì, bà cũng muốn cùng con bước tiếp.

Viết chữ bằng chân và đam mê với bóng tròn

Thấy các bạn được đến trường, Đức cũng nài nỉ mẹ được đi học. Bà Khước đến một số nơi xin học cho con nhưng bị từ chối vì lo ngại cậu bé không theo kịp. Không nản, Đức vẫn xin mẹ mua bút, mua vở để tập viết bằng những ngón chân. Sau khoảng thời gian vật lộn với chiếc bút, cậu bé đã có thể viết những nét chữ nguệch ngoạc bằng ngón chân của mình.

Với trái bóng tròn, Đức đam mê bất tận. 7 tuổi, Đức bắt đầu tập tành chơi bóng đá. Có nhiều lần chơi bóng, cậu ngã khiến đầu gối và chân sưng tấy, nhưng vừa khỏi lại tiếp tục ra sân.

Bà Khước kể với báo Dân Trí, không có tiền mua bóng, chiều chiều Đức lại đạp xe ra bãi đất trống giữa làng rồi đợi bạn mang bóng đến đá để chơi ké. Dù đá trên mặt sân nào nhưng cậu bé luôn tự tin đảm nhiệm vai trò vị trí tiền đạo. Có hôm cậu ghi được ba bàn và năm lần kiến tạo. “Em thích Ronaldo, em muốn trở thành cầu thủ để được chơi bóng đá.”, Đức nói.

Cậu bé khuyết tay chân đá bóng trên sân cỏ nhân tạo.
Niềm vui của cậu bé giàu nghị lực (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Dịp tuần trước, Đức được theo đám bạn trong làng lên sân bóng mini xã Biển Hồ, cách nhà khoảng 2 km, ngồi xem đá bóng. Thấy cậu bé khuyết tật có vẻ thích thú với trái bóng, anh Phan Đức Vinh – quản lý sân bóng mini Hai Hòa, cho Đức vào đá với học trò của mình.

Ở ngay ‘lần ra mắt’, Đức giành bóng, lừa bóng và dứt điểm không hề thua kém những đứa trẻ bình thường. Hôm đó cậu còn ghi được một bàn thắng cho đội nhà. Đối với Đức, được đá bóng trên sân cỏ nhân tạo, có ánh điện sáng trưng, khung thành căng lưới…. là điều cậu chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Vui hơn nữa, thấy hoàn cảnh và niềm đam mê của cậu bé, anh Vinh đã tìm về tận nhà để nói bà Khước cho Đức đến sân tập bóng vào các chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Cậu bé sẽ được dạy đá bóng miễn phí để em được thỏa sức đam mê.

“Ban đầu, khi thấy Đức vậy ai cũng nghĩ em đi lại còn khó khăn, chứ không dám nghĩ em đá bóng được. Khi thấy được nghị lực, đam mê của Đức tôi đã nói với gia đình để cho em đến học để em được hòa nhập, vui chơi”, anh Vinh chia sẻ.

Bà Khước bùi ngùi kể, vì đam mê bóng đá mà nhiều lần cậu ngỏ ý mẹ mua cho 1 chiếc giày bên phải để giống lũ bạn. Tuy nhiên, bà vẫn chưa có điều kiện và cũng bởi không ai bán giày chỉ 1 chiếc cả…