Hình ảnh cậu bé Morocco vượt biển với những chai nhựa buộc quanh người đã gây sự chú ý đến giới truyền thông quốc tế. Cậu bé bật khóc khi bơi tới bờ biển và bị những người lính giải đi.

Theo Vnexpress, cậu bé khoảng 13-14 tuổi, là một trong số hàng nghìn người di cư đã bơi hoặc vượt qua hàng rào biên giới vào khu vực này trong tuần vừa qua sau khi Morocco nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Chính phủ Tây Ban Nha đã bố trí lực lượng quân sự tại Ceuta để tuần tra biên giới với Morocco. Họ coi đây là một cuộc khủng hoảng đối với châu Âu.

Ngay khi bơi tới bờ, cậu vội tháo hết các chai nhựa, lao thẳng tới bức tường chắn để vào thành phố Ceuta nhưng bị lực lượng an ninh Tây Ban Nha giữ lại.

Rachid Mohamed al Messaoui – một binh sĩ ở Ceuta cho biết, cậu bé nói, thà chết chứ không quay lại Morocco, em không muốn quay lại vì em không còn gia đình ở Morocco nữa. 

Anh cũng xúc động chia sẻ, tôi cảm thấy thật đau khổ và tuyệt vọng khi không thể giúp gì cho cậu bé . Anh cố gắng gạt cảm xúc của mình sang một bên để giúp những người di cư đến bờ bình tĩnh trở lại, đồng thời làm phiên dịch viên cho các đồng nghiệp người Tây Ban Nha.

Ảnh chụp màn hinh

Không rõ chuyện gì sẽ xảy ra với cậu bé sau khi bị bắt. Ở Tây Ban Nha trục xuất trẻ vị thành niên được coi là hành động bất hợp pháp, vì vậy làn sóng các thanh thiếu niên di cư tới nước này tăng đột biến.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Tây Ban Nha và Morocco về phong trào muốn khu vực Tây Sahara trở thành quốc gia độc lập thay vì thuộc lãnh thổ Morocco, số lượng người dân di cư vào Tây Ban Nha càng tăng mạnh.

Ngày 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cáo buộc chính quyền Morocco đã “làm ngơ” khi dòng người di cư ồ ạt đổ sang nước này; đẩy hàng nghìn người di cư gồm cả trẻ nhỏ vào tình thế nguy hiểm khi để họ bơi hoặc trèo qua hàng rào vào Ceuta.

Ceuta là một thành phố tự trị của Tây Ban Nha, nằm cạnh bờ biển Bắc Phi, có đường biên giới dài khoảng 6,4 km với Morocco, được ngăn cách với Morocco bằng hàng rào biên giới cao tới 10 mét. Đa số người di cư vượt biên bằng đường biển để có cơ hội đặt chân lên lãnh thổ châu Âu.