Vẽ tranh là một hình thức biểu đạt suy nghĩ của trẻ nhỏ. Khi xem các bức vẽ có thể phần nào hiểu được cảm nhận của các con về thế giới quanh mình.

Tranh vẽ chính là sự mô phỏng lại những suy nghĩ của trẻ về cuộc sống quanh mình; những cảm xúc không thể nói thành lời sẽ được các bé đưa vào các bức vẽ một cách tự nhiên nhất.

Ở độ tuổi 2 – 5 tuổi, từ những hình vẽ không rõ ràng trẻ tiến đến vẽ “hiện thực trong tưởng tượng” bằng những đường nét cơ bản. Giai đoạn 6 – 9 tuổi, trẻ đã có thể vẽ lại “hiện thực theo mắt nhìn”; trẻ dần làm chủ được nét vẽ và có khả năng sao chép tốt hơn. Nếu cha mẹ có thể quan sát cách trẻ lựa chọn màu sắc, nguyên liệu, bố cục, chi tiết, nét vẽ trong quá trình trẻ vẽ tranh; thì hoàn toàn có thể nắm bắt được tâm lý của trẻ một cách dễ dàng, hiệu quả.

Chọn lựa giấy và bút vẽ

Khi vẽ tranh, các bé thường không sử dụng nguyên vật liệu một cách ngẫu nhiên; các con sẽ cẩn thận chọn khổ giấy, chất liệu, màu vẽ… Mỗi một sự lựa chọn đều thể hiện được đặc điểm tính cách tự nhiên của bé.

Các bé có cá tính mạnh và kiên quyết có xu hướng chọn bút vẽ có đầu lớn, đậm nét; còn những bé thường gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định sẽ chọn bút có đầu nhỏ.

Chọn lựa giấy và bút vẽ
Kích thước khổ giấy được lựa chọn trong khi vẽ là dấu hiệu cho thấy không gian mà đứa trẻ muốn chiếm cứ trong cuộc sống nói chung (Ảnh: pixabay).

Khổ giấy lớn, nhỏ phần nào thể hiện mong muốn khẳng định bản thân của trẻ; các bé chọn khổ giấy nhỏ hơn thường có khả năng tập trung tốt hơn.

Đường nét bức vẽ

Nét vẽ là một trong những yếu tố nói lên đôi điều về tính cách của trẻ. Một đứa trẻ tính tình thân thiện, có khả năng thích nghi tốt với môi trường sống thường sẽ vẽ những nét rõ ràng, đơn giản. Trẻ có tính cách rụt rè, dễ bị ức chế thì nét vẽ có xu hướng mờ nhạt, không rõ; bé sẽ thường vẽ đi vẽ lại hoặc dùng thước kẻ để vẽ cho thẳng.

Nếu đường cong là đặc điểm hay thấy ở những trẻ hiền lành hoặc biểu lộ sự nữ tính; thì đường thẳng và góc cạnh thường xuất hiện trong bức vẽ của những trẻ hoạt bát, hiếu động (Ảnh: pixabay).

Độ đậm nhạt của nét vẽ cũng cho ta biết về tâm trạng của trẻ. Nếu nét vẽ đều, ổn định thì bạn có thể yên tâm rằng trẻ đang vui vẻ. Nhưng nếu xuất hiện những đường nét mạnh bạo hằn lên giấy, rất có thể trẻ đang vướng phải một số khúc mắc mà chưa biết cách giải quyết vấn đề, và lúc này các bé đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người lớn.

Bố cục hình vẽ

Trẻ cảm thấy vị trí và mong muốn của mình ở môi trường xung quanh như thế nào thì cũng sẽ định vị hình ảnh trên giấy tương tự như vậy.

Bố cục hình vẽ
Bức tranh với hình vẽ lớn vừa phải và nằm ở vị trí trung tâm là sự phản ánh tâm trạng cân bằng và hạnh phúc của bé với thực tại (Ảnh: pixabay).

Nếu hình vẽ chỉ chiếm một góc nhỏ trong toàn bộ khung hình, thì dường như trẻ đang có phần thiếu tự tin và khép kín với bạn bè.

Nếu chủ thể của tranh lệch sang bên trái thì bé hướng về quá khứ và có vẻ gắn bó với mẹ hơn; còn lệch sang bên phải sẽ tượng trưng cho tương lai, mang tính hướng ngoại hơn.

Màu sắc của bức vẽ

Việc chọn màu, tô màu cũng là hoạt động phản ánh những cung bậc tình cảm khác nhau của trẻ.

Nếu các gam màu tối được sử dụng nhiều trong tranh vẽ; điều này phản ánh sự bất ổn định trong đời sống tình cảm mà trẻ đang gặp phải. Ngược lại, các bé được bao bọc bởi tình cảm ấm áp thì màu sắc trong những bức vẽ lại luôn rực rỡ, sống động, vui nhộn. Ngoài ra, khả năng biết kết hợp nhiều màu sắc đẹp mắt cũng cho thấy khiếu thẩm mỹ của trẻ.

Màu sắc của bức vẽ
Trẻ em hướng nội ưa thích những màu trầm; trẻ em hướng ngoại, cởi mở hay dùng gam màu sáng, ấm như đỏ, vàng, da cam… (Ảnh: pixabay).

Trẻ có xu hướng dùng nhiều màu xanh lá cây cho thấy thiên hướng yêu thích sự sáng tạo; màu vàng thể hiện tâm trạng hạnh phúc còn màu đỏ là màu biểu lộ sự phấn khích…

Lúc tô màu, nếu bé thường làm màu tràn ra ngoài đường viền hình vẽ thì khả năng cao bé là người có khả năng độc lập, thích sự tự do. Nhưng nếu màu sắc luôn nằm gọn ở bên trong và thậm chí không chạm đến đường viền; thì có thể bé hơi thiếu tự tin và đang cần được hỗ trợ.

Từ việc tìm hiểu các bức vẽ, cha mẹ sẽ trở nên gần gũi với trẻ hơn, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của trẻ để kịp thời nâng đỡ, bảo vệ và giáo dục trẻ phát triển tự nhiên, lành mạnh hơn.