Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO) sáng nay (4/9) có bài viết chỉ ra một vấn đề bất cập liên quan đến việc cưỡng chế cách ly tập trung đối với người từ chối xét nghiệm Covid-19.

Bài báo cho biết: Việc không hợp tác lấy mẫu xét nghiệm có thể bị coi là hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên không có văn bản pháp luật nào quy định hình phạt bổ sung là cách ly y tế tập trung.

Bị đưa đi cách ly tập trung vì không cho lấy mẫu xét nghiệm

Báo Cà Mau hôm 1/9 đưa tin về trường hợp ông Trần Tô Ân Châu (sinh năm 1972). Ông bị cưỡng chế đi cách ly tập trung; vì không cho nhân viên y tế chọc mũi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Loan Em, Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau vào chiều 1/9 đã ký quyết định đưa ông Châu đi cách ly tập trung.

Công an và nhân viên y tế đã đến nhà khiêng ông Châu đi trong khi ông đang ngồi trên ghế dựa. Ông Châu kêu la, nói rằng ông bị gãy tay. Tuy nhiên, việc cưỡng chế cách ly vẫn diễn ra.

Ảnh chụp màn hình báo PLO về trường hợp người dân bị cưỡng chế cách ly tập trung ở Cà Mau.
Ảnh chụp màn hình báo PLO về trường hợp người dân bị cưỡng chế cách ly tập trung ở Cà Mau.

Theo PLO, ông Châu cho rằng việc cách ly phải được thực hiện đúng đối tượng; đó là các F0, F1…. Còn ông là người bình thường, không phải là F nào. Vì vậy, việc cưỡng chế đi cách ly là không thuyết phục.

Ông Châu nói: “Hành vi không hợp tác lấy mẫu test Covid-19 là hành vi vi phạm hành chính, sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020. Tuy nhiên, điều khoản này không quy định hình thức phạt bổ sung hay buộc khắc phục hậu quả như cách ly y tế tập trung…”.

Phản hồi từ chính quyền

Báo PLO hôm 2/9 đã liên hệ qua điện thoại tới bà Nguyễn Thị Loan Em, Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Cà Mau. Bà Loan Em cho biết bà sẽ xem lại hồ sơ, sau đó cho biết phường đã áp dụng quy định nào để cưỡng chế ông Châu đi cách ly.

Cùng ngày, PLO đã trao đổi với ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau về vụ việc trên. Ông Hải cho biết tỉnh Cà Mau đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định chung. Ông nói rằng đó là chỉ đạo chung từ lãnh đạo cơ quan chống dịch của tỉnh.

Lý do người dân chưa phục

Liên quan đến câu hỏi “vì sao dân chưa phục”, PLO đã phỏng vấn ThS Võ Phước Long, Trưởng bộ môn Pháp luật đại cương, Khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM.

ThS Long cho rằng không nên vội vàng chỉ trích người dân thiếu ý thức khi không cho lấy mẫu xét nghiệm và bị đưa đi cách ly tập trung. Vì “đối với nhiều người dân, luật pháp phải căn cứ vào sự hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn”, trích bài báo của PLO.

Người dân cho rằng mình không phải F1, F0, không có nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Khi đó, nếu ép họ phải xét nghiệm, đi cách ly thì không hợp lý. Hơn nữa, nhiều người cho rằng mình đã tuân thủ quy định 5K, không tiếp xúc gần với ai; giờ phải đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, thì phải tiếp xúc với nhân viên y tế vốn đã lấy mẫu cho rất nhiều người khác; như vậy có thể có nguy cơ cao hơn về lây nhiễm.

ThS Võ Phước Long chia sẻ: “Pháp luật về phòng chống dịch bệnh của chúng ta hiện hành nhấn mạnh quyền lực của chính quyền khi coi trọng ‘tính phòng và chống COVID-19’ mà thiếu đi tính chắc chắn và dễ đoán định.”

Về trường hợp cưỡng chế cách ly ở Cà Mau, ông Long cho rằng địa phương có thể áp dụng cách ly tại nhà. Như vậy vừa chống dịch hiệu quả; vừa bớt tốn kém nhân lực và ngân sách; vừa đảm bảo quyền tự do con người. “Đó mới là pháp luật lý tưởng”, theo ThS Long.

Từ Khóa: