“Quá mù ra mưa”; “đừng cạn tình đến thế…” là hai lời nhắn góp vào luồng phản ứng của dư luận sau công văn xem xét “tước chứng chỉ hành nghề” với bác sĩ nghỉ việc vừa được Bộ Y tế phát đi.
Sáng 5/9, bản tin trên Zing cho biết, ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Y tế vừa ký văn bản, trong đó nhắc đến việc trong lúc Covid-19 bùng phát có “người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công”.
Cách xử lý của Bộ Y tế là “xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề”.
“Tước chứng chỉ hành nghề” coi chừng “quá mù ra mưa”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành ở Việt Nam, và các bác sĩ, nhân viên y tế ở vị trí gian khổ; không khó hiểu khi văn bản của Bộ Y tế gây phản ứng.
Trên trang Facebook “Nhật ký bác sĩ” có gần 200 nghìn lượt theo dõi, nhiều người cho rằng, người ngành y đang kiệt sức, họ cần động viên, chế độ thiết thực; không phải là cách quản lý dùng bàn tay sắt, hay dọa dẫm.
“Xin thưa với các bác: Sức người chứ có phải sức rôbot đâu mà bảo người ta thí mạng cả ngày lẫn đêm 24/24 tiếng… Ai không sợ chết, ai không mưu cầu hạnh phúc. Lỡ chết đi thì ai lo cho cha mẹ vợ con đây? Còn sức thì còn cống hiến hết mình, đến khi hơi tàn lực kiệt thì không làm nữa thế thôi”, bình luận của tài khoản Sông Quê.
Ông Hoàng Nguyên Vũ – nhà báo, facebooker viết rằng: “Cái quyết định “tước quyền sử dụng thẻ hành nghề” là một quyết định rất độc á.c nếu áp dụng cho bất cứ trường hợp nào không thể chịu đựng thêm mà xin nghỉ việc. Vậy từ dịch bệnh đi ra, họ mất trắng mọi thứ, kể cả tương lai sự nghiệp?”.
Theo ông Vũ, “nếu hỏi 100 bác sĩ và nhân viên y tế nơi vùng dịch bây giờ, hỏi họ kiệt sức chưa thì xin thưa, cả 100 người đều trả lời là rồi. Hỏi họ có nhớ nhà không, thì cả 100 người đều trả lời là nhớ…
Họ đã gác lại cảm xúc cá nhân, họ đã dốc hết tâm sức gấp nhiều lần một người bình thường có, thì, nếu họ không thể chịu đựng được nữa, không trụ được nữa, hãy cảm thương nhiều hơn là dùng những mệnh lệnh hành chính lạnh lùng.
Đấy chưa kể giữa hàng trăm hàng ngàn F0 như thế, có người sẽ trầm cảm…
Vậy, nếu họ không chịu đựng thêm được nữa, là áp dụng ngay “kỷ luật sắt”? Họ là những người bằng xương bằng thịt chứ có phải người sắt đâu mà dùng sự sắt đá với họ lúc này?”.
Ông Vũ nhắn: “Đừng cạn tình đến thế đối với các bác sĩ chống dịch!””
Bình luận của Nguyễn Công Phương dưới bản tin “Bộ Y tế lo y bác sĩ bỏ việc” trên VnExpress, nhận được hơn 6.000 like, viết: “Họ quá mệt mỏi căng thẳng rồi, nên động viên hơn là xem xét tước chứng chỉ hành nghề, quá mù ra mưa đấy”.
“Họ là bác sĩ, y đức dạy họ cứu người, phải làm việc 3-4 tháng liền liên tục và trong bộ đồ bảo hộ rất mệt. Mong BYT thấu hiểu, động viên, khen thưởng, cung cấp chỗ ăn chỗ nghỉ sạch đẹp để họ có thể hồi phục thể trạng.
Chứ kỷ luật và răn đe là hạ sách”, một bình luận khác, nhận được hơn 3.000 lượt thích.
Người bỏ việc chỉ chiếm số nhỏ
Thực tế, trước khi Bộ Y tế ra công văn trên, Sở Y tế Bình Dương đã có một quyết định tương tự. Cụ thể, ngày 20/8, Sở Y tế Bình Dương ra văn bản “không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức tại tất cả các đơn vị trực thuộc, đồng thời, nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp”.
Khi bị hỏi việc làm trên có đúng luật không, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết đây là văn bản quy định nội bộ của ngành y tế Bình Dương trong thời điểm cấp bách.
Theo báo Tuổi Trẻ, thực tế hiện tượng bỏ việc tại các bệnh viện thời gian qua chỉ là “một số nhỏ”.
“Đại bộ phận nhân viên y tế đã làm việc trên 100% công suất, các bệnh viện, trường phía Bắc đã chi viện 17.000 nhân lực y khoa cho khu vực phía Nam chống dịch. Đã có 3 y bác sĩ tử vong trong quá trình chống dịch và hàng ngàn y bác sĩ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc khen thưởng hoặc hỗ trợ nếu có đều còn ít ỏi”, Tuổi Trẻ cho biết.