Nóng: Trung bình mỗi giờ ở TP. HCM phát hiện hơn 150 ca nhiễm mới; người dân đổ xô tìm mua máy tạo oxy; ca nhiễm ở Hà Nội tăng thêm mức 2 con số.

Số ca nhiễm tăng cao theo giờ

Từ 18h30 tối qua đến 6h sáng nay, Sài Gòn thêm 1.769 ca nhiễm mới; trung bình phát hiện 153 ca/giờ.

Trước đó, ngày 16/7, TP. HCM có 1.349 ca trong 12 giờ, trung bình có mỗi giờ có hơn 110 ca nhiễm.

Nhiều bệnh viện điều trị F0 tại TP.HCM trong tình trạng quá tải (ảnh chụp màn hình báo Zing).

Đổ xô mua máy tạo oxy, kit test nhanh tại nhà

Theo Zing, nhiều người đổ xô mua máy tạo ôxy do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và việc thí điểm cách ly F0 ở nhà.

Hiện hầu hết đại lý lớn chuyên cung cấp máy tại TP. HCM và Hà Nội đều báo cháy hàng, đặc biệt những dòng phổ thông có dung tích 3-5 lít/phút từ thương hiệu Yuwell, Philips, Owgels…

Một người bán hàng cho hay, nhu cầu của người dân TP. HCM và Hà Nội gần như nhau. Nhiều người lo Việt Nam rơi vào tình cảnh thiếu hụt oxy của các nước như Ấn Độ, Indonesia. Hiện giá máy tạo oxy không hề rẻ, dao động từ 7-24 triệu đồng tùy mẫu mã, thương hiệu. Dù vậy, số người đặt mua lớn dẫn tới khan hiếm hàng.

Xung quanh việc đổ xô mua máy tạo oxy đang có nhiều luồng ý kiến (Đọc tiếp).

Cũng tại Sài Gòn, nhu cầu mua kit test nhanh tự kiểm tra tại nhà tăng mạnh. Tuy nhiên, Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo người dân không nên làm việc này.

“Các bộ test nhanh được rao bán trên mạng nếu không có tên trong danh mục được Bộ Y tế công bố thì đương nhiên không hợp pháp, độ nhạy thấp, kết quả không chính xác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, lãnh đạo Sở nói.

Đến nay, Sở Y tế TP. HCM vẫn chưa có hướng dẫn người dân tự thực hiện test nhanh như nào (Đọc tiếp).

Sài Gòn thiếu rau, củ, quả và trứng

Rau củ quả và trứng gia cầm đang là những mặt hàng TP. HCM thiếu nhiều nhất nên cần các doanh nghiệp ở miền Đông, Tây Nguyên hỗ trợ.

Thông tin này được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương chia sẻ chiều 16/7.

Hiện so với nhu cầu của người dân, lượng cung ứng thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống… mỗi ngày.

Giải pháp đưa ra là kết nối để chuyển nguồn hàng về; mở mới điểm bán hàng lưu động; mở lại chợ truyền thống (đang tạm ngưng) để bán lại rau…(Đọc tiếp)

Kiểm tra 75 cửa hàng Bách hóa Xanh

Những ngày qua, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh bị rất nhiều người tố cáo bán tăng giá trong mùa dịch; giá thực phẩm cao hơn các siêu thị khác. Đây cũng là chuỗi cửa hàng bị khách tố cáo “bán mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng”. Trên Facebook, nhiều người lập các nhóm tẩy chay hệ thống siêu thị này.

Theo báo Thanh Niên, quản lý thị trường đã làm việc với 75/641 cửa hàng Bách hóa Xanh tại nhiều quận, huyện tại TP. HCM. Sau kiểm tra, phía quản lý thị trường cho rằng, “nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng Bách hóa Xanh khá dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định”.

Giá một số mặt hàng ở Bách Hóa Xanh bị khách hàng phản đối.
Giá một số mặt hàng ở Bách Hóa Xanh bị khách hàng phản đối.

Còn đại diện Bách hóa Xanh cho rằng, nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống cửa hàng tăng giá trong mùa dịch (Đọc tiếp).

Ca nhiễm ở Hà Nội tăng thêm mức 2 con số

Sở Y tế Hà Nội sáng 17/7 ghi nhận 13 ca nghi Covid-19. Những ca này Bộ Y tế chưa công bố, coi như nghi nhiễm.

Trong 13 trường hợp, 6 người là F1 thuộc chùm ca bệnh liên quan đến chung cư Sunshine Hoàng Mai, đều là họ hàng bệnh nhân Covid-19, nữ nhân viên ngân hàng Vietinbank, ở phường Vĩnh Hưng. 6 người này gồm: Nữ, 52 tuổi, là mẹ; Nam, 58 tuổi, là bác; Nữ, 4 tuổi, là con; Nữ, 58 tuổi, là bác sống bên cạnh nhà bệnh nhân; Nam, 73 tuổi, là bác; Nữ, 1 tuổi, địa chỉ Hàng Bột, Đống Đa, là cháu.

Ngoài ra, có thêm 7 trường hợp khác, thuộc nhiều quận khác nhau ở Hà Nội.

Như vậy, riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nôi ghi nhận 117 trường hợp thuộc 5 chùm ca (Đọc tiếp).

Ảnh trong ngày: Bữa ăn mùa dịch

Bức ảnh anh Lê Minh Đương đăng trên nhóm “Tôi là dân Dĩ An” có lẽ phản ánh tình cảnh của rất nhiều người lao động trong các vùng giãn cách: Thiếu đồ ăn, hết tiền dự trữ, không biết bao giờ được đi làm lại.

“Buổi cơm chiều của gia đình em. Hai vợ chồng không đi làm được, giờ hết tiền ăn không biết những ngày sắp tới như thế nào nữa. Mong dịch qua xóm cho tụi em đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Anh Lê Minh Đương chia sẻ hình ảnh bữa cơm mùa dịch.
Anh Lê Minh Đương chia sẻ hình ảnh bữa ăn mùa dịch với món chủ đạo là mì tôm.

Dù không xin trợ giúp, nhưng bức hình hai đứa nhỏ ăn mỳ tôm rưới xì dầu của anh Đương đã lay động lòng người. Để rồi, có những người hoàn cảnh chẳng khá hơn là bao, cũng muốn giúp đỡ; người cân gạo, người củ khoai, mong cho nhau thoát cơn nguy cấp.

“Tôi ở Dĩ An 2 tôi có thể bớt ăn 1 chút; nếu anh chị qua được tôi xin gửi anh chị 5kg gạo ạ”, anh Nguyễn Văn Chức để lại lời nhắn.

“Bên mình bán khoai lang, bạn cho mình định vị gửi ít khoai cho cả nhà ạ. Của ít lòng nhiều”, chị Nguyễn Lan viết.

Những sự chia sẻ ấm lòng, giúp nhau qua lúc khó khăn.
Những sự chia sẻ ấm lòng, giúp nhau qua lúc khó khăn.