Tài tiên tri của Trạng Trình không chỉ có dân gian nhắc đến mà trong bộ Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục tiền biên cũng đã xác nhận về điều này.
Khoa học cổ đại vẫn mang rất nhiều điều bí ẩn mà con người hiện đại vẫn chưa thể nào giải thích được. Những lời dự ngôn chính xác sau cả mấy trăm năm không phải là chuyện hiếm gặp trên thế giới. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ, nổi tiếng nhất trong các nhà tiên tri của Việt Nam chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Nhà ngoại cảm Anh tiên tri chính xác về thất bại của ông Trump và Covid-19 nói gì về tương lai?
- Thần đồng tiên tri Ấn Độ: Giai đoạn tồi tệ nhất của dịch Covid-19 đang đến
Xem nhanh
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ai?
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông sinh ra tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương; nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Khoa thi Ất Mùi (1535) đời vua Mạc Đăng Doanh; ông đỗ trạng nguyên và làm quan dưới triều nhà Mạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước “Trình Tuyền hầu” sau đó thăng tới “Trình Quốc công”; đây cũng là lý do mà dân gian thường gọi ông là Trạng Trình. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam vào thế kỷ 16. Làm quan được bảy năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan vào năm 1542.
Từ nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có tư chất hơn người; lúc được một tuổi ông đã biết nói, lên năm tuổi khi được mẹ truyền miệng cho thơ văn chữ Nôm, dạy cho kinh sách thì đọc thuộc làu làu, học đâu nhớ đấy. Lớn lên ông theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Với sự thông minh, sáng dạ lại chăm chỉ học hành nên ông nhận được rất nhiều khen ngợi từ người thầy của mình.
Những giai thoại về tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông Thái Ất thần kinh (nay đã thất truyền); đây là một môn nghiên cứu về sự chuyển động của các vì sao; qua đó sẽ đoán biết được sự ảnh hưởng đến Trái Đất và con người; khi nắm rõ Thái Ất thần kinh có thể dự đoán các hiện tượng mưa gió, hạn hán, lụt lội, chiến tranh, bệnh tật, vận mệnh đời người; đoán biết trước được sự suy vong, hưng thịnh của một quốc gia.
Bởi lẽ đó, cũng không hề ngẫu nhiên khi mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được sứ nhà Thanh là Chu Xán ca ngợi là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền” (nước Nam về mặt lý học có Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm).
1. Những lời khuyên giúp “tam phân thiên hạ” khi Trạng Trình còn sống
Lời khuyên cho nhà Trịnh “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản”
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong thời đất nước phân chia Nam triều (nhà Lê -Trịnh), Bắc triều (nhà Mạc). Ở Nam triều, tuy vua Lê mang danh nghĩa trông coi triều chính; nhưng quyền hành thực sự lại là nằm trong tay chúa Trịnh.
Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối ngôi; Trịnh Kiểm nhân cơ hội này tỏ ý muốn chiếm ngôi soán vị nhưng sợ không được lòng thiên hạ nên sai người đến hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khi người của Trịnh Kiểm đến, trạng Trình chẳng nói điều gì, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương, và bảo rằng: “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản”.
Đó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập nên; nhà Lê được lòng dân, đa phần trong họ vẫn còn tâm trạng “hoài Lê”; phải giữ đạo thì mới được hưởng phúc.
Sứ giả đem những điều ấy về nói với Trịnh Kiểm; Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông, dựng lại cơ đồ nhà Lê. Nhờ đó mà họ Trịnh cũng đời đời vinh hiển.
Chúa Nguyễn Hoàng đã thoát chết và dựng lập cơ đồ khi nghe lời khuyên
Sau khi người có công phục dựng nhà Lê là Nguyễn Kim chết; Trịnh Kiểm thay Nguyễn Kim nắm quyền hành. Họ Trịnh đã giết chết Nguyễn Uông (con trưởng của Nguyễn Kim); và luôn tìm cách để hãm hại Nguyễn Hoàng (con thứ của Nguyễn Kim).
Trong lúc không biết làm cách để thoát thân; Nguyễn Hoàng nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm giỏi về thuật số, đoán biết được số mệnh, nên đã ngầm sai người đến xin lời khuyên từ ông. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, khã dĩ dung thân”. Nghĩa là: một dải núi dài, có thể dung thân được.
Nguyễn Hoàng nghe câu nói ấy, nghiệm ra rằng xuôi về phương Nam lập nghiệp thì mới có thể an toàn. Ông đã đến nói riêng với chị gái mình là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho ông được vào trấn Thuận Hóa. Biết rõ Thuận Hóa là nơi “Ô châu ác địa”; Kiểm không ngại tâu vua xin cho Hoàng vào trấn thủ nơi đó; ý muốn mượn tay họ Mạc để giết chết Nguyễn Hoàng.
Sau khi vào Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng biết cách làm an lòng quân dân; trọng dụng hào kiệt, giảm nhẹ sưu thuế, được người dân mến phục; tạo dấu mốc để hình thành vương triều 13 đời nhà Nguyễn về sau.
Thực hiện theo lời khuyên nhà Mạc đã duy trì thêm được hơn 70
Nhà Mạc được Mạc Đăng Dung gây dựng nên; nhưng cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi từ năm Đinh Hợi (1527) đến năm Nhâm Thìn (1592) thời Mạc Mậu Hợp.
Đến thời Mạc Mậu Hợp, vì lo sợ cho sự suy vong của dòng họ nên đến năm Ất Dậu (1585), khi Trạng Trình sắp mất; nhà Mạc có sai sứ đến thăm hỏi và kể rõ sự tình của triều Mạc. Trạng Trình khuyên vua tôi nhà Mạc “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể”; ý là Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài thêm được vài đời. Sau này nhà Mạc thua trận; con cháu đã lui về chiếm giữ Cao Bằng, trải được qua 3, 4 đời; hơn 70 năm mới hết. Một lần nữa lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại ứng nghiệm.
2. Những lời tiên tri của Trạng Trình cho đời sau
Lời cảnh báo khi Nguyễn Công Trứ phá đền thờ
Vào đời Vua Minh Mạng (1820 – 1840) trong dân gian có lưu truyền một câu sấm: “Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi Vương”; (đời thứ hai Gia Long, người ở Vĩnh Lại làm vua). Vốn tính đa nghi, khi biết được mấy câu sấm ấy, vua Minh Mạng vừa đề phòng, vừa tức giận. Ông lệnh cho tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ phá đền thờ Trạng Trình.
Nguyễn Công Trứ theo lệnh, tiến hành cho quân lính phá dỡ ngôi đền. Nhưng trong quá trình tháo cây thượng lương thì phát hiện một cái hộp nhỏ được đặt trong tấm gỗ. Quân lính đem hộp gỗ đưa trình chủ tướng; Nguyễn Công Trứ mở ra xem, bên trong có một mảnh giấy viết:
“Minh Mệnh thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền thì lại làm đền
Nào ai cướp nước tranh quyền gì ai”.
Sau đó Nguyễn Công Trứ liền ra lệnh dừng ngay việc phá đền; ông tấu trình sự việc về triều đình và xin được sửa chữa, trùng tu lại đền thờ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trạng Trình tiên tri về chủ quyền Biển Đông
Trong tình hình biển Đông diễn biến phức tạp thời gian gần đây, hai câu thơ mang tính dự báo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thường được nhắc đến: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Hai câu thơ này được trích từ bài “Cự Ngao Đới Sơn” trong “Bạch Vân Am Thi Tập” của ông. Ý tứ trong hai câu thơ đã quá rõ ràng.
Tuy vậy, vào thời của ông thì vấn đề chủ quyền biển đảo vẫn chưa được triều đình coi trọng. Vậy tại sao ông viết bài thơ này? Hơn 400 năm trước ông đã thấy được vấn đề tranh chấp hiện nay? Hẳn đó là lời dự ngôn dành cho con cháu nước Việt chứ không phải là bài thơ viết cho thời cuộc lúc sinh thời của ông. Nhưng để hiểu hết được ý nghĩa trong những câu sấm được lưu truyền lại thì quả không phải là chuyện dễ dàng.
Tương truyền thì sấm ký của Trạng Trình có 487 câu. Trong dân gian vẫn đang lưu truyền nhiều bản sấm ký được cho là của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện nay ở kho sách Viện nghiên cứu Hán – Nôm có giữ bốn bản. Tuy vậy lại không có được thông tin về tên người chép, chép từ bao giờ và chép ở đâu?
Do vậy, chúng ta cũng cần thêm thời gian để làm rõ vấn đề đâu là sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm; đâu là những điều mà người đời đã gán ghép.
Sấm Trạng Trình tiên tri những điều gì? Vì sao ông có khả năng này? Khoa học cổ có phải là mê tín hay không? Hẳn là có rất nhiều ẩn đố đang chờ chúng ta khám phá.
Nguồn ảnh: Internet.