Một cuốn sách nhỏ với mong muốn lưu lại cho hậu thế một bộ hành xử quy phạm nữ đức. Cuốn sách “Nữ Giới” đưa ra những quy tắc đạo đức cho người con gái trong lập thân, xử thế. Được người đương thời tranh nhau truyền tụng và học tập. Trở thành cuốn sách học vỡ lòng để giáo dục người con gái qua từng triều đại Trung Quốc. Thời đại dù biến đổi, “Nữ giới” vẫn là bài học quý giá đối với người phụ nữ thời nay.
Xem nhanh
Ban Chiêu, người phụ nữ đức hạnh, tài năng và cuốn sách nổi tiếng “Nữ giới”
Ban Chiêu, tự Huệ Ban, là nữ sử học gia đầu tiên của Nho gia, nhà văn thời Đông Hán. Bà xuất thân trong gia đình học vấn uyên bác. Cha bà là Ban Bưu, đại văn hào thời Đông Hán. Anh trai cả Ban Cố là người biên soạn sách Tiền Hán thư. Ban Chiêu năm 14 tuổi gả cho Tào Thế Túc, phu thê khiêm nhường hỗ trợ bù đắp cho nhau. Sinh được mấy người con trai con gái, cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Sau cái chết của người anh trai Ban Cố, bà tiếp tục một mình viết “Hán Thư”. Bà thường được truyền vào Hoàng cung dạy kinh sử cho Hoàng hậu, Quý phi, hay cung nhân. Bà là một người phụ nữ lỗi lạc, đức hạnh, có tài năng văn chương phong phú.
“Nữ Giới” là cuốn sách nhỏ, chỉ có hơn 1800 chữ, tổng cộng có bảy chương. Gồm ti nhược, phu phụ, kính thuận, phụ hạnh, khúc tòng, hòa thúc muội và chuyên tâm. Đây là cuốn sách giáo dục đạo đức chuyên dành cho phụ nữ do Ban Chiêu thời Đông Hán viết. Bà dùng phương pháp huấn dụ (lời dạy bảo, khuyên nhủ của người bề trên) viết cuốn sách Nữ giới. Cuốn sách đưa ra những quy tắc đạo đức cho người con gái trong lập thân, xử thế. Được người đương thời tranh nhau truyền tụng và học tập. Trở thành cuốn sách học vỡ lòng để giáo dục người con gái qua từng triều đại Trung Quốc.
Phụ nữ truyền thống xưa đẹp thế nào?
Thời xưa rất xem trọng việc giáo dục tố chất cho phụ nữ. Vì sao vậy? Bởi vì có câu nói rằng: “vương hóa xuất tự khuê môn”. “Vương” trong từ “quốc vương”, “hóa” trong từ “giáo hóa”. Việc giáo hóa của một đất nước bắt nguồn từ chốn khuê môn. Khuê môn chính là cửa ngõ nơi khuê phòng mà phụ nữ thường ra vào. “Gia lợi thủy ư nữ trinh”, trong gia đình muốn được lợi ích bắt nguồn từ sự trinh đức của phụ nữ.
Thế nên, từ xưa đến nay, muốn có hiền tài thì trước hết phải có người con hiền. Muốn có con hiền thì trước hết phải có mẹ hiền. Để có hiền mẫu thì trước tiên phải có hiền nữ. Truy đến ngọn nguồn thì vẫn là ở nơi người mẹ, người mẹ rất quan trọng. Vậy người mẹ tốt từ đâu mà đến? Từ dạy mà ra.
Người phụ nữ truyền thống, họ không tham gia nhiều vào việc xã hội. Họ chỉ làm chủ gia đình mình. Họ coi trọng đức tính cung kính, nhu thuận, mềm yếu, thuận theo đạo trời mà không ngừng phát triển. Chính những đức tính ấy giúp cho việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống gia đình, làm cho xã hội phồn vinh. Nhiều phụ nữ cổ đại đã làm nên những câu chuyện truyền thuyết bất hủ. Như Ban Chiêu, Thái Văn Cơ, Trác Văn Quân, Lý Thanh Chiêu là tứ đại tài nữ thời cổ đại.
Phụ nữ thời nay đẹp ra sao?
Phụ nữ ngày nay rất đẹp, đẹp từ ngoại hình, phong cách cũng như bản lĩnh. Họ đảm đang, tháo vát, gánh vác rất nhiều công việc, giữ nhiều vai trò trong xã hội.
Nhưng cánh mày râu lại có lời oán trách: “Tôi muốn lấy vợ là một người phụ nữ. Nhưng cô ấy đã không dịu dàng lại cũng không biết quét nhà nấu cơm. Cả ngày cứ chạy ra khỏi nhà, còn nói to hơn tôi. Tôi nói một cô ấy nói hai, chỉ cần có lý là tranh đấu đến cùng. Cho mình kiếm nhiều tiền lên mặt với chồng, anh nói xem tôi cần cô ấy làm gì?…”
Sự thật nhiều phụ nữ ngày nay mất đi sự tôn trọng, yêu thương, bảo vệ của người chồng. Phải chịu nhiều khó khăn vất vả không thể san sẻ, gia đình không hoà thuận. Phải làm việc vất vả ngoài xã hội, cuối cùng khiến cho thân thể và tâm trí đều mệt mỏi. Hậu quả, nhiều gia đình tan vỡ, nhiều chị em rơi vào đau khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Một mình phải gánh trên vai tất cả gánh nặng mưu sinh…
Nguyên nhân là gì? Chính là xem nhẹ giáo dục của văn hóa truyền thống, không quan tâm nâng cao phẩm hạnh đạo đức . Ngược lại họ quan tâm nhiều đến kiếm tiền, nâng cao danh vọng, địa vị của mình trong xã hội. Phụ nữ cố gắng giúp gia đình hạnh phúc, có chỉ số cuộc sống cao hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân ngọn nguồn của hạnh phúc lại ít có người nào chú ý đến.
Phụ nữ thời nay học được gì qua cuốn “Nữ Giới”?
Trong giao tiếp luôn tìm nguyên nhân ở bản thân mình và khiêm tốn
Ban Chiêu đã chỉ rõ: Trong giao tiếp với cha mẹ, anh em chồng cần khiêm tốn, nhường nhịn. Khoan dung, vui vẻ hoà nhã, không được tranh chấp đúng sai. Mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, cần luôn tìm nguyên nhân ở bản thân mình. “Bản thân mỗi người không phải thánh nhân, khó tránh khỏi không phạm lỗi lầm! Nhan Hồi đáng quý ở chỗ biết sửa sai. Vì vậy Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi cùng một sai lầm không phạm lại lần thứ hai, huống chi là phụ nữ!”
“Khiêm tốn là đức hạnh căn bản, nhu thuận là phẩm chất của người phụ nữ. Có được hai đức tính này là đủ để gia đình hoà hợp rồi”.
Trở về với đặc tính căn bản của người phụ nữ
Ban Chiêu dạy bảo người con gái lấy vẻ nhu mì, mềm yếu làm nét đẹp của mình. Lấy sự cung thuận, khiêm nhường làm đức hạnh. Thiên hành kiện, Địa thế khôn (Trời vận động mạnh mẽ, Đất có tính nhu hoà). Đại Đạo có âm dương, con người phân thành nam nữ. Trong sách Nữ giới giảng rằng: “Âm dương có đặc tính khác nhau, nam nữ có phẩm hạnh khác nhau. Dương lấy cương làm chủ, âm lấy nhu làm chủ. Nam giới quý ở đức tính kiên cường, nữ giới đẹp ở vẻ mềm yếu”. “Đạo vợ chồng là âm dương hoà hợp. Thông với Thần linh, kính tín trời đất, cũng chính là luân lý con người”.
Trong sách chỉ rõ nếu âm dương không hợp, vợ chồng bất hoà, thì không còn ân nghĩa, đạo đức. “Chồng không hiền đức, thì không dẫn dắt được vợ; vợ không hiền đức, thì không hỗ trợ được cho chồng. Chồng nếu không dẫn dắt được vợ, thì sẽ mất đi uy nghiêm. Vợ nếu không phụ tá được chồng, thì sẽ mất đi đạo nghĩa”.
Luôn là người phụ nữ đoan chính
Ban Chiêu cũng dạy rằng phải “chuyên tâm chính sắc”, nghĩa là thủ lễ nghĩa, thuần tịnh thuần thiện. Điều gì không hợp lễ tiết thì tuyệt đối không nghe theo. Mắt chỉ nhìn điều đoan chính, không nhìn ngang liếc dọc, ra ngoài không ăn mặc diêm dúa, lẳng lơ. Ở nhà cũng không thể mặc quá tùy tiện. Không kết giao cùng với người không đoan chính, không phẩm hạnh, không trầm mê vào thế giới phồn hoa.
Trong xã hội, phụ nữ hiểu rõ bổn phận của chính mình, “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành”. “Đôn” có nghĩa là thực hành. “Luân” chính là vai trò của chúng ta trong các mối quan hệ. Ví dụ, như trong mối quan hệ vợ chồng thì chúng ta là vợ. Chúng ta có con cái, trong mối quan hệ mẹ con thì chúng ta là mẹ. Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì chúng ta là con dâu. Chúng ta cần thực hiện, làm tròn bổn phận của chính mình, không được yêu cầu người khác.
“Nhàn” nghĩa là ngăn ngừa, “tà” là tất cả những cách nghĩ và ý niệm bất chính. Bao gồm những thứ nhìn thấy, nghe thấy đều phải cự tuyệt đem chúng để ra ngoài. Luôn giữ vững một niệm thành tâm của chính mình.
Quay về với giá trị văn hoá truyền thống
Việc này trong xã hội hiện nay không hề dễ dàng, vì sao vậy? Vì hiện nay, những thứ khiến chúng ta tìm về với giáo huấn của văn hóa truyền thống rất ít. Những thứ dụ hoặc lại rất nhiều. Chúng ta thử mở một cuốn tạp chí, hoặc là lên mạng, xem phim, xem phim truyền hình. Dù đã nghe ba giờ lời dạy của Thánh Hiền, nhưng chỉ ba phút xem những thứ mê hoặc trên. Những lời dạy Thánh Hiền xóa sạch, bạn sẽ bị cuốn theo dòng nước, sức dụ hoặc này rất lớn.
Dù là vậy nhưng chị em phụ nữ thời nay chúng ta hãy lắng lại, suy ngẫm. Ban Chiêu – Người phụ nữ tài năng và đức độ ấy, đã để lại cho đời sau cuốn “Nữ giới”. Ngôn từ khẩn thiết với mong muốn lưu lại cho hậu thế một bộ hành xử quy phạm nữ đức. Nếu mỗi phụ nữ thời nay đều làm theo thì mỗi một gia đình sẽ đều ổn định, hạnh phúc. Dân tộc có thể sinh sinh bất tức, văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền trường tồn.