Trong xã hội hiện đại, quan niệm và lối sống của con người có nhiều thay đổi. Việc kết hôn và sinh con muộn, cùng với các tác động từ môi trường ô nhiễm, căng thẳng và bệnh lý khiến phụ nữ ngày càng khó mang thai. Vậy làm thế nào để tăng khả năng thụ thai một cách tự nhiên? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ sau nhé!
- Phụ nữ nên chuẩn bị gì trước khi đi khám phụ khoa
- Những điều mẹ bầu cần biết khi đi máy bay
- Bồi bổ khí huyết – Bí quyết duy trì sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ
Xem nhanh
Những lưu ý quan trọng giúp phụ nữ tăng khả năng có thai
1. Độ tuổi sinh sản giúp tăng khả năng có thai
Độ tuổi lý tưởng để mang thai tự nhiên là từ 20-30 tuổi. Sau tuổi 30, đặc biệt từ 35 trở lên, số lượng và chất lượng trứng suy giảm, làm giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra, tuổi mẹ càng cao thì nguy cơ thai nhi gặp các dị tật bẩm sinh và biến chứng thai kỳ càng tăng lên. Vì vậy, nếu có kế hoạch sinh con, hãy cân nhắc việc mang thai trước tuổi 30 để có lợi thế tốt nhất.
2. Kiểm soát cân nặng
Cân nặng ảnh hưởng trực tiếp đến việc rụng trứng. Việc quá gầy hoặc thừa cân có thể gây rối loạn nội tiết, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, làm giảm khả năng thụ thai. Việc duy trì cân nặng hợp lý không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hỗ trợ quá trình rụng trứng diễn ra đều đặn, nâng cao khả năng có thai tự nhiên.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng sinh sản. Để tối ưu hóa sức khỏe sinh sản, bạn nên:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
- Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, chất béo có hại, đường và thực phẩm công nghiệp.
- Bổ sung các vi chất quan trọng:
- Vitamin D: Hỗ trợ quá trình thụ thai, có nhiều trong trứng, cá béo, sữa và chế phẩm từ sữa.
- Vitamin E: Chống oxy hóa, cải thiện khả năng sinh sản, có trong hạt hướng dương, đu đủ, rau xanh đậm.
- Sắt: Bổ sung sắt (nguồn gốc thực vật) cho thấy giảm 40% nguy cơ vô sinh do không phóng noãn, giảm thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ.
- Axit Folic: Giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi, giảm nguy cơ sinh non.
4. Duy trì lối sống lành mạnh cả thể chất và tinh thần
Vận động nhẹ nhàng, thường xuyên như đi bộ, yoga, thiền định giúp cơ thể dẻo dai, cải thiện tuần hoàn máu và có sức khỏe tốt. Đồng thời, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá sức cũng là yếu tố quan trọng giúp cân bằng nội tiết tố, tăng cơ hội mang thai.
5. Tránh các chất độc hại
Các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia không có lợi cho sức khỏe sinh sản. Caffeine cũng nên được hạn chế trong thời gian mang thai. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai.
6. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Quan hệ xung quanh thời điểm rụng trứng giúp tăng khả năng thụ thai. Có thể theo dõi chất nhầy cổ tử cung: khi chất nhầy trong, dai và xuất hiện nhiều thì đây là dấu hiệu sắp rụng trứng- thời điểm quan hệ thích hợp nhất. Nên quan hệ mỗi ngày hoặc cách ngày quanh thời điểm này. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đều, ngày rụng trứng thường rơi vào khoảng 14 ngày trước kỳ kinh tiếp theo.

7. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Cả hai vợ chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi có kế hoạch mang thai để phát hiện và điều trị sớm bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai. Nếu đã quan hệ đều đặn và không dùng các biện pháp ngừa thai trên 1 năm (đối với phụ nữ dưới 35 tuổi) hoặc trên 6 tháng (đối với phụ nữ trên 35 tuổi) mà chưa có thai, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tóm lại, việc điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe sẽ giúp phụ nữ nâng cao cơ hội mang thai tự nhiên. Hãy chủ động chăm sóc bản thân ngay từ hôm nay nhé!