Mặc dù bánh chưng là một loại thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng; tuy nhiên cũng cần lưu ý khi ăn bánh chưng để vừa ngon miệng lại đảm bảo sức khỏe.
- 3 dấu hiệu nhận biệt bánh chưng luộc bằng pin, gây hại cho sức khỏe
- Lá dong: ngoài gói bánh chưng còn là thuốc trị nhiều bệnh
Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt Nam. Bánh chưng là loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng cao với đủ 4 nhóm thực phẩm.
Người xưa đã biết cân đối các thành phần dinh dưỡng trong một chiếc bánh chưng, bao gồm: gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đỗ xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm); hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất).
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết: 1/8 chiếc bánh chưng thông thường vào dịp Tết đã có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Do đó, bánh chưng rất thích hợp cho người muốn tăng cân, người gầy, suy dinh dưỡng.
Thực tế, bánh chưng không phải là thực phẩm tốt cho tất cả mọi người, trong đó có những người mắc bệnh mạn tính; vì vậy khi ăn bánh chưng ngày Tết cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khỏe:
Xem nhanh
1. Hạn chế lượng bánh chưng ăn trong ngày
Để tránh tăng cân do ăn bánh chưng, nhất là trong dịp Tết, các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý mọi người cần hạn chế số lượng bánh chưng ăn trong ngày. Đối với những người bị thừa cân, béo phì, người bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, thì càng phải hạn chế hoặc kiêng ăn bánh chưng hoàn toàn.
Trung bình trong 1/4 chiếc bánh chưng đã có khoảng 500 calo, tương đương với khoảng 2 miệng bát cơm. Do đó, ăn nhiều bánh chưng có nguy cơ tăng cân rất cao. Chỉ nên ăn một miếng nhỏ tương đương với 1/8 cái bánh chưng cỡ vừa cho mỗi bữa ăn.
2. Nên ăn bánh chưng cùng dưa muối, dưa hành và rau quả
Mặc dù bánh chưng là một loại thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cả về chất và lượng; nhưng khi ăn bánh chưng thì không nên ăn riêng vì sẽ gây ngán và không tốt cho sức khỏe.
Từ xưa đến nay người Việt ta khi ăn bánh chưng thường ăn kèm với dưa góp, hành muối. Đây cũng là một cách ăn truyền thống rất khoa học của cha ông ta. Bởi bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu; chính vì vậy, khi ăn bánh với dưa góp, hành muối sẽ giúp kích thích tiêu hóa, không bị đầy bụng.
Khi ăn bánh chưng nên ăn kèm trái cây và rau xanh để cân đối tỷ lệ dinh dưỡng. Những món ăn này giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ chuyển hóa chất đường bột nhanh hơn và tiêu hóa tốt hơn.
3. Hạn chế ăn bánh chưng rán
Nhiều người thích ăn bánh chưng rán, bởi nó ngon miệng; nhưng thực tế thì nó lại chứa nhiều chất béo do sử dụng dầu mỡ để rán. Vì vậy nên hạn chế ăn bánh chưng rán vì sẽ gây tích tụ thêm chất béo, không tốt cho cơ thể.
Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận, khi ăn nhiều bánh chưng rán còn khiến bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.
Nhất là với những người mắc bệnh dạ dày thì càng không nên ăn bánh chưng rán, vì nó có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn. Khi ăn quá nhiều đồ nếp sẽ khiến dạ dày luôn bị ấm ách khó chịu và dễ bị ợ chua.
4. Không ăn bánh chưng đã bị mốc
Với thời tiết nồm ẩm của mùa xuân ở miền Bắc, bánh chưng rất dễ bị mốc; bởi nó là món ăn có độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng; là môi trường phù hợp để nấm mốc phát triển.
Nếu ăn phải bánh chưng bị mốc có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm; thậm chí độc tố aflatoxin có trong các thực phẩm bị mốc sẽ gây độc cho gan và làm tăng nguy cơ ung thư rất cao. Vì vậy, khi bánh chưng đã bị mốc nên bỏ đi chứ không nên cắt phần mốc rồi tận dụng phần còn lại.
Để bánh chưng tránh bị mốc nên chú ý khi bảo quản: ở môi trường tự nhiên, bánh chưng thường để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày. Tốt nhất, nên bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ từ 5-10 độ C. Ăn tới đâu, cắt tới đó, phần còn lại được gói kỹ trong túi nilon.