Tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà nội năm 1981, tôi về làm ở Hãng phim truyện Việt Nam; cùng đợt đấy với tôi còn có một số các bạn đã tốt nghiệp các trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Đại học xây dựng, Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, đại học Kiến Trúc về Hãng. Cứ nghĩ mình sẽ theo nghề Kiến trúc, nhưng nghề làm phim lại chọn tôi.

Một thời gian, 8 người chúng tôi được Hãng phim cử đi học lớp thiết kế  Mỹ Thuật Điện ảnh ở trường Đại học Sân Khấu và Điện Ảnh Hà Nội. Sau 3 năm học, 4 bạn nam về làm hoạ sĩ thiết kế ở các xưởng làm phim; nhóm 4 nữ chúng tôi được Giám đốc điều về bộ phận mới thành lập: Hoạ sĩ phục trang phim. Ông muốn phim Việt nam cũng tiến tới chuyên nghiệp như  điện ảnh các nước trên thế giới. Bốn chúng tôi về làm việc ở xưởng Thiết kế mỹ thuật.

Hoạ sĩ phục trang, nghề mơ ước

Trên thế giới, nghề hoạ sĩ phục trang cũng là 1 thành phần quan trọng, thiết kế những bộ trang phục cho phù hợp với tính cách nhân vật, phù hợp với bối cảnh lịch sử của bộ phim và nội dung của câu chuyện phim. Hoạ sĩ phục trang phim cũng nằm trong danh mục xét giải thưởng Oscar và các giải thưởng khác trong các liên hoan phim quốc tế.

Ngày đó tôi rất ấn tượng về trang phục trong bộ phim về nữ hoàng Cleopatra; và cũng mơ mộng mình sẽ được làm những bộ phim với những thiết kế trang phục hoành tráng như thế. Cả 4 hoạ sĩ chúng tôi háo hức bước vào công việc mới.

Hoạ sĩ phục trang cùng một số bộ phận trong đoàn phim luôn phải chuẩn bị trước khi phim bước vào giai đoạn quay; chuẩn bị trang phục cho các nhân vật trong từng phân đoạn phim, kiểu dáng màu sắc… Rồi lại cùng đoàn làm phim rong ruổi ở các nơi mà đoàn phim chọn làm bối cảnh; hoặc cảnh tự nhiên hoặc bối cảnh dựng ở nơi phong cảnh phù hợp với câu chuyện phim. Với những câu chuyện về nông thôn thì đoàn thường đi về các vùng nông thôn; vùng núi có những cảnh đẹp dân dã… Câu chuyện xảy ra ở thành phố thì chọn những bối cảnh ở thành phố; chuyện xảy ra ở công trường thì phải đến công trường đã chọn mà quay… Nói chung nghề làm phim rất vất vả.

phim việt nam hình ảnh cho giờ, có được, quảng cáo, của phim hoạt hình, một chia sẻ, sản phẩm.
Thiết kế trang phục theo ý tưởng là ước mơ của các họa sĩ phục trang. Ảnh: NSND, Quay phim: Lý Thái Dũng

Làm phim những năm 80

Tôi còn nhớ 2 bộ phim đầu tiên tham gia với chức danh là trợ lý hoạ sĩ, phim đầu tiên là phim ‘Sẽ đến một tình yêu’, bối cảnh chính của phim là công trường xây dựng. Đoàn phim được bố trí ở tầng 2 của một khu nhà làm việc của công trường, phim thứ 2 là phim ‘Làng Vũ đại ngày ấy’, bộ phim ấn tượng với bối cảnh là vùng nông thôn cổ xưa… đoạn phim ở nhờ nhà khách ủy ban tỉnh Hà Đông.

Cả hai phim đều có được chỗ ăn ngủ nghỉ tương tốt, có giường chiếu tử tế, không phải nằm giát giường dưới đất như một số phim làm ở những bối cảnh xa xôi hẻo lánh khó khăn khác. Mỗi đoàn phim, thường có 1 hoặc 2 chị nấu bếp đi cùng lo việc cơm nước cho đoàn. Ngày đi quay trưa và tối về khu nhà bếp ăn rồi lại quay tiếp. Bối cảnh nào xa hoặc để cho kịp thời gian chờ đón quay cảnh Rezim ; thì nhà bếp có thể gánh cơm ra hiện trường cho mọi người ăn tại chỗ trực chờ quay cảnh.

Cảnh quay rezim ở đoàn phim

Nhân đây tôi kể cho mọi người biết đại khái một cảnh quay Rezim ở đoàn phim.  Nó thật sự như một trận chiến săn bắt ‘con nghệ thuật’, chúng tôi thường nói đùa như vậy. Là tôi nói đến những cảnh quay trong phim điện ảnh (phim chiếu rạp), chứ không phải phim truyền hình, khác nhau hoàn toàn. Cảnh Rezim, giới Điện ảnh VN dùng để chỉ quay những câu chuyện, hình ảnh xảy ra lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.  Khoảnh khắc này trong tự nhiên rất ngắn. bởi vậy  đoàn phim có khi phải chuẩn bị cả buổi chiều để chờ đến thời điểm quay. Sau này,  khi công nghệ cao ra đời ( máy điện toán, phông xanh…) thì điện ảnh thế giới có thể chủ động tuyệt đối, với khả năng quay bất kể lúc nào, ở đâu. 

Đạo diễn làm việc với diễn viên từ trước, ví dụ cảnh 2 nhân vật, từ 2 phía đi lại… hai người sẽ đi từ đâu đến, ai xuất hiện trước ai xuất hiện sau? hai người gặp nhau đứng chỗ nào, cách nhau bao nhiêu? thì phải dừng chính xác chỗ đó, đương nhiên là diễn viên không được nhìn xuống chỗ đặt cái lá hay cái vạch kẻ bằng que xuống đất đánh dấu rồi. Bởi vì quay phim đã ngắm; đã chọn và chốt bố cục khuôn hình ở mỗi điểm diễn viên dừng trong cảnh quay…

dịch vụ, phần mềm, sử dụng, phát triển, thiết kế, hỗ trợ, bắt đầu, tài liệu, lựa chọn, sản xuất,
Đoàn phim trong cảnh quay Rezim.

Kỹ thuật rezim thời đó…

Thường cảnh rezim này khá đẹp và tạo hiệu quả cao cho phim. Nên người quay phim hay chọn đặt máy trên ray để có được nhiều góc máy. Như thế tổ ray phải làm việc lắp đặt ray, kê chèn sao cho khi người quay phim cùng máy quay, và một anh kỹ thuật ngồi trên xe chạy trên ray khi chạy phải êm ru; không lượn lên xuống, giật cục…

Khi tất cả đã xong xuôi và ai nấy vào chỗ của mình… chờ mặt trời xuống. Lúc này chỉ có anh phó quay phim làm việc, anh ấy sẽ cầm một cái đồng hồ đo sáng đứng hướng về phía mặt trời, một chốc lại giơ đồng hồ lên xem, rồi gần như là đếm giây, khi anh ra hiệu đã chuẩn sáng (bây giờ hình như quay phim đã có thiết bị đo sáng hiện đại hơn). Khi đó cảnh quay sẽ bắt đầu.

Nếu cảnh quay dài, vừa kết thúc xong đúp 1 các diễn viên phải chạy nhanh về điểm xuất phát, máy cũng được kéo lùi lại vị trí ban đầu, quay tiếp cảnh 2… có lần vì cảnh quay dài quá, chỉ quay được 1 đúp thì trời đã tối sầm; lúc đó thì hên xui, cảnh có thể đẹp có thể ko đẹp. Nhưng thường là đẹp, vì Hãng phim truyện Việt Nam phần nhiều là những người làm nghề giỏi.

Nghề làm phim vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm

Đi làm phim thì vất vả nhưng rất vui, nhiều chuyện dở khóc dở cười khi quay khiến chúng tôi quên đi những mệt mỏi. Cũng vì vậy mà mặc dù lương thấp nhưng hầu như không mấy ai trong chúng tôi bỏ nghề. Cuối cùng thì chúng tôi đều xác định tư tưởng đi làm phim là để lấy vui làm lãi. Chứ ngoài tiền lương cơ bản; tiền cát xê nhận được ở mỗi đoàn phim cũng ko đáng là bao. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau, nghề làm phim như chúng tôi ‘ráo mồ hôi là hết tiền’…

Cứ như thế tôi rong ruổi cùng các đoàn làm phim hơn 20 năm. Tuy nhiên vì là công việc lưu động nên mỗi năm chúng tôi còn chỉ có nghĩa vụ tham gia 2 phim, mỗi phim khoảng 2 tháng, nhiều thì có người tham gia 3-4 phim, cùng tuy theo mong muốn đi làm phim của mọi người. Thời gian còn lại chúng tôi có thể làm những việc khác…

Ngoài thời gian làm phim truyện, các bạn hóa trang có thể tham gia làm phim truyền, hoặc làm dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài quay ở Việt Nam. Hầu như ai cũng phải kiến thêm việc bên ngoài, khi mùa phim nhàn. Tôi cũng làm thêm nhiều việc, vẽ áo cho các tiệm may, vẽ tranh và rất nhiều các việc khác nữa… Đến tận bây giờ, nhiều lúc bố tôi vẫn vừa thương vừa tự hào mỗi khi kể về tôi với ai đó về cái đận vất vả cuộc sống của tôi: Nghề làm thêm của nó có đếm hết cả đầu ngón tay ngón chân mới đủ.

Tôi chọn nghề Kiến trúc, nghề làm phim lại chọn tôi, đơn giản âm thanh tuy nhiên tham gia.
Cảnh quay của 1 đoàn phim.

Duyên đến với tạp chí Điện ảnh

Một hôm, em hoạ sĩ con của một cô diễn viên cùng trong hãng phim gặp tôi, chúng tôi vốn là những người bạn thân. Em bảo, em sắp đến ngày sinh nở, em muốn nhờ tôi trình bày tờ tạp chí Thế giới điện ảnh, mà em ấy đang làm, trong 6 tháng khi em ấy nghỉ đẻ. Em ấy sẽ chỉ cho tôi cách làm… Tôi hiểu em ấy đã rất quý mến tôi và tin cậy tôi lắm thì mới nhờ tôi. Thời đó hiện tượng nhờ nhau làm việc gì rồi bị cướp việc là chuyện thường xuyên xảy ra. Tôi đồng ý.

Hồi đó hai chị em tôi tràn báo còn thủ công, làm gì có phần mềm nào; cũng là do bản thân chúng tôi cũng chưa biết cách làm hiện đại: đọc bài đếm chữ bằng tay, bằng mắt rồi kẻ ô bằng thước và bút chì tính toán. Em nhờ tôi cũng có lý do, là vì trước đây khi em ấy tràn báo; có những chỗ trống cần chèn khoảng 100 -300 chữ; em lại nói tôi viết cho em một câu chuyện vui khi đi đoàn làm phim để chèn vào.

Trong quãng thời gian trình bày tạp chí, tôi đọc rất nhiều bài viết của nhiều người. Tôi thấy nghề viết này cũng hay. Thế rồi một hôm tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Hay là mình thử viết.

Kỷ niệm buồn…

Lúc ấy tôi đang trong tâm trạng rất buồn… Chồng tôi mới mất 1 năm vì bệnh nan y, nghề Hoạ sĩ phục trang dường như đã không được phát triển như suy nghĩ của giám đốc Hãng và của chúng tôi. Tôi còn nhớ mãi cái ngày hôm đó, con gái tôi ngồi học ở bàn góc cạnh cửa sổ. Tôi ngồi trong phòng bên cái máy tính cũ kỹ nhưng cũng là một đồ vật có giá trị vào năm 1999. Với ý tưởng về một bài viết cáo chung về cái nghề hoạ sĩ phục trang của mình. Tôi bắt đầu gõ… những hình ảnh nhiều năm hiện về. Những ngày đầu tôi hăng hái phác thảo ra những ý tưởng phục trang này khác cho từng nhân vật. Khi buồn khi vui trang phục ra sao màu sắc thế nào cho phù hợp từng ngữ cảnh…

Sự hụt hẫng…

Nhưng rồi cái phấn trấn hào hứng ấy của tôi bị dập tắt ngay sau khi duyệt phác thảo bối cảnh và phục trang phim, khiến tôi hụt hẫng thê thảm như thế nào. Khi duyệt có các ban bệ từ giám đốc trở xuống những thành phần có liên quan; ai cũng gật gù tán thưởng đồng ý, nhưng khi vào thực tế thì… anh chủ nhiệm phim, người cầm tiền của đoàn phim, tất nhiên cũng vì lợi ích của mấy thành phần chủ yếu của phim nói rằng vì kinh phí có hạn nên ko thể may tất cả những bộ quần áo như em đã phác thảo được; chỉ có thể mượn hoặc thuê, mà mượn hoặc thuê thì có mấy khi được như mình muốn đâu… Buồn lần thứ nhất.

Đặc biệt năm 1992 khi tôi cùng một số đồng nghiệp trong Hãng phim tham gia bộ phim Đông Dương (​​Indochine) của Pháp quay ở Việt Nam, lúc đó tôi làm trợ lý cho bạn hoạ sĩ phục trang của đoàn, những cách họ làm việc, sự tôn trong của họ đến những ý kiến và những gì tôi tận tâm làm ra khiến tôi cảm thấy mình được tôn trọng, cảm thấy mình có giá trị. Quay về với cái cung cách làm việc của hãng phim khiến tôi càng nản hơn … Buồn lần thứ hai và vài ba lần nữa… cuối cùng tôi cũng buông xuôi… kệ, họ muốn làm thế nào tôi làm thế với tâm thái hoàn thành nghĩa vụ của Hãng xong tôi đi làm việc khác kiếm tiền nuôi con.

Tôi chọn nghề Kiến trúc, nghề làm phim lại chọn tôi phù hợp, cuộc thi, kịch bản điện ảnh những.
Hiệu quả cảnh quay Rezim (ảnh: NSND, Quay phim: Lý Thái Dũng).

Bài báo đầu tiên

Tôi ngồi đó gõ về những năm tháng tôi đã phí hoài năng lượng tuổi trẻ của mình vào một công việc không ra việc ở các đoàn phim mà lòng buồn vô hạn. Nước mắt tôi tuôn rơi lã chã, đau đầu nhức óc, có lúc tôi còn khóc nấc lên… Con gái nghe thấy sợ quá hoảng hốt chạy vào hỏi han. 

Viết xong, tôi xem đi xem lại rất kỹ rồi quyết định gửi lên toà soạn…

Tuần sau đó, tôi lên toà soạn trước khi sang xưởng in kiểm tra lại các bản sắp chữ, trong lòng khá hồi hộp khi hỏi hai anh bạn, anh Tuấn béo là tổng biên tập và anh Tuấn gầy phó tổng biên tập tòa soạn: Hai anh đọc bài tôi gửi chưa? chắc phải biên tập lại nhiều nhỉ? Anh Tuấn gầy, nhà biên kịch điện ảnh; tốt nghiệp biên kịch điện ảnh trường điện ảnh VGIK ở Nga nói: Không phải biên tập một chữ nhé; tôi chờ để hỏi Mây tên của mấy bạn họa sĩ phục trang để cho thêm vào cho đầy đủ. Với lại bài này khá là buồn, nên bọn tôi không đăng cho số Tết, số sau Tết nhé bạn.

Biệt tài của bố

Tôi vui lắm, nhưng cũng kiềm chế được cho đến ngày tôi cầm số tạp chí có đăng bài viết của tôi và tiền nhuận bút 200 ngàn đồng; mang đến đặt trước mặt bố tôi đang ngồi bên bàn trà và nói:
Đây là bài báo đầu tiên của con và tiền nhuận bút.

Dạo đó buổi sáng tôi hay sang cùng uống trà với bố tôi trước khi đến Hãng. Ông cầm tờ tạp chí đã được tôi mở sẵn bài viết ra đọc, đọc xong ông cười gượng gượng… ấy là tâm trạng vui của bố về bất cứ công việc nào mà con cái đã làm được; rồi cho tôi một câu nhận xét: Bài con viết tốt đấy, nhưng câu hơi dài quá; như thế làm người đọc sẽ mệt, nên viết câu ngắn thôi. Nhận xét này của bố tôi đã theo tôi suốt cho đến tận ngày hôm nay.

Thế là sau 6 tháng bàn giao phần trình bày cho cô em hoạ sĩ; thì tôi cũng trở thành người viết bài thân thiết thường xuyên cho tạp chí Thế giới Điện ảnh. Nhuận bút bài viết đầu tiên của tôi ngày ấy đủ mua 1 cái bánh gato to để chiêu đãi cả gia đình tôi.

Vì sao tôi lại có đoạn kết với bố tôi như vậy?

Ấy là khi tôi mới tốt nghiệp họa sĩ trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Bố tôi bảo: đã là hoạ sĩ là phải vẽ tranh; phải bán được tranh – Bố tôi có biệt tài về cách ‘khơi gợi sự cố gắng phấn đấu của các con’. Tôi nghe mà thấy hơi tự ái không vui. Nhưng tôi cũng quyết tâm để bố tôi thấy tôi sẽ làm được.

Thế là thời gian đó, sáng ra tôi đưa con đi học rồi đến cùng với 2 anh hoạ sĩ ngồi luyện vẽ lụa. Khoảng 2 tháng luyện và vẽ, từ một xấp tranh đã vẽ; tôi chọn ra một số cái ổn ổn rồi làm bo tranh gửi lên cửa hàng bán tranh. Tôi không nhớ là bao lâu thì anh chủ cửa hàng gọi điện: tranh của em bán hết rồi; em lên lấy tiền nhé. Khỏi phải nói tôi vui thế nào.

Từ cửa hàng tranh tôi về thẳng nhà bố tôi, đặt biên lai nhận tiền trước mặt ông rồi hỏi: Thế này con đã được gọi là hoạ sĩ chưa bố? Bố tôi cười cười, nụ cười gượng gượng vì vui.

Bài viết như lời cảm ơn gửi đến những người tôi đã có duyên gặp gỡ, đã giúp đỡ tôi trong những năm tháng xưa cũ.

Xem thêm: