Khởi nghiệp thành công không phải là việc dễ dàng. Có một sự thật là, dù hầu hết các startup có mô hình kinh doanh khác nhau, nhưng những bẫy chờ nuốt chửng những “chú nghé non” này lại khá giống nhau. Vậy trước khi ra quyết định khởi nghiệp nên tránh những gì?

Theo báo cáo Business Employment Dynamics (khảo sát năm 1994 – 2015) do Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cung cấp, chỉ gần 50% trong số công ty khởi nghiệp có thể trụ vững đến năm thứ 5. Và có rất ít công ty có thể thành công và nổi tiếng.

Thiếu vốn, đánh giá thấp năng lực cạnh tranh của đối thủ, hiểu sai thị trường… thường là những lý do được đưa ra cho sự sụp đổ của các startup. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa không đơn thuần là những yếu tố kể trên. Dưới đây là những cái bẫy khiến nhiều startup “chết yểu”.

Thừa ý tưởng, thiếu chiến lược khó khởi nghiệp thành công

Ý tưởng tốt là điều kiện cần để có thể phát triển kinh doanh. Nhưng ý tưởng thôi chưa đủ. Để có thể hoạt động ổn định và thành công, các startup cần phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Cũng theo số liệu từ Business Employment Dynamics, 1/3 trong số các công ty khởi nghiệp không có cơ hội mừng sinh nhật lần thứ 2. Đây là giai đoạn mà ý tưởng và nhiệt huyết khởi nghiệp của startup đầy tràn, song kế hoạch lâu dài lại chưa trọn vẹn. Do đó việc biến ý tưởng xuất sắc ban đầu trở thành một bản kế hoạch chiến lược về lâu dài là rất quan trọng.

Chiến lược kinh doanh được hoạch định kỹ lưỡng và chi tiết bao nhiêu thì càng ít khả năng thất bại bấy nhiêu. Chiến lược kinh doanh giúp lấp đi những lỗ hổng không đáng có trong quá trình marketing, sản xuất và phân phối. Giúp phân tích khả năng cạnh tranh của đối thủ, đồng thời hé lộ nhiều cơ hội bất ngờ.

Ôm đồm quá nhiều việc một lúc

Nhiều người khi khởi nghiệp thường ôm đồm nhiều công việc một lúc. Đa nhiệm là tốt, nhưng đôi khi đa nhiệm lại trở thành cái bẫy đẩy startup tới bờ vực phá sản.

Khởi nghiệp thành công: 5 bẫy cần tránh
Đa nhiệm là tốt nhưng không nên ôm đồm. Tập trung phát huy điểm mạnh của mình thì cơ hội khởi nghiệp thành công mới cao. (Ảnh: Pixabay)

Điều hành doanh nghiệp thực sự là công việc bất khả thi đối với những ai chỉ muốn ôm đồm mọi thứ một mình. Thay vì “tham chiến” trên mọi mặt trận, hãy chỉ tập trung phát huy tối đa điểm mạnh của mình. Có như vậy, cơ hội khởi nghiệp thành công của bạn mới cao.

Đại kỵ khởi nghiệp: Muốn làm hoành tráng ngay

Trừ khi bạn có mô hình đã được kiểm chứng thực tế với cùng điều kiện về đối tượng khách hàng, thị hiếu, sức mua, xu hướng… Nếu không thì việc đầu tư ồ ạt quy mô lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại nặng nề.

Khởi nghiệp thành công: 5 bẫy cần tránh
Muốn làm hoành tránh ngay là một cái bẫy khiến nhiều start up sụp đổ. (Ảnh: Pixabay)

Hãy nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ việc nhỏ, quy mô nhỏ để rút ra những kinh nghiệm cần thiết. Đồng thời kiểm chứng các giả định về nhu cầu, thị trường…

Không phát triển kế hoạch tiếp thị 

Kinh doanh mà không làm tiếp thị thì khách hàng sẽ có có thể biết đến bạn, đặc biệt là với các startup. Nếu bạn có quá ít ngân sách hãy tận dụng các công cụ miễn phí, mạng xã hội, tiếp thị truyền miệng…

Sợ thất bại và ngại đổi thay

Nhiều startup thường ôm khư khư ý tưởng ban đầu của mình mà không chú ý quan sát những cơ hội mới đến. Cơ hội này có thể là những sản phẩm hoặc phân khúc thị trường mới.

Trên thực tế, hành trình kinh doanh của các doanh nghiệp thường trải qua những thay đổi, đôi khi là thất bại. Chỉ khi dám đối mặt với thất bại và chịu khó thay đổi thì cơ hội khởi nghiệp thành công mới có thể mỉm cười. Ví dụ, trước khi đưa Macy’s trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, Rowland Hussey Macy từng cố gắng mở 4 cửa hàng bán thực phẩm khô trong hơn 10 năm nhưng cuối cùng vẫn thất bại.