Hôn nhân” hai chữ thiêng liêng nhất trong đời mỗi người. Nó dung hòa nhiều mối quan hệ về gia đình và xã hội; là sự bao dung, hòa hợp giữa nam và nữ.

“Hôn nhân” hai chữ thiêng liêng của đời người

Một ông lão dù đã 80 tuổi, nhưng suốt 5 năm qua, sáng nào ông cũng đến viện dưỡng lão để thăm bà lão. Cứ tầm 8, 9 giờ, ông đến để giúp người vợ bị mất trí nhớ của mình ăn sáng. Ông nói: “Đã 5 năm rồi bà ấy không nhận ra tôi, tôi có đến hay không thì bà ấy cũng đều không biết.”

Mọi người tò mò hỏi: “Thế mà mỗi sáng ông vẫn đến đây sao?

Ông cười trả lời: “Bà ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi nhận ra bà ấy là được rồi.

Đó chính là tình yêu mà ông dành cho bà. Không chỉ là tình yêu, mà còn là ân nghĩa vợ chồng sâu nặng…

“Hôn nhân là hai chữ thiêng liêng” của đời người
Hôn nhân là một điều hết sức thiêng liêng, để đến được với nhau đã khó, việc giữ gìn, duy trì nó càng khó hơn.

Hôn nhân bắt nguồn từ lời hẹn ước …

Văn hóa phương Đông, hôn nhân còn bắt nguồn từ lời hẹn ước và kết thúc bởi chữ tín của một người. Có một câu chuyện nổi tiếng của Trung Hoa như sau.

Vào thời Bắc Tống có một nho sinh tên Lưu Đình Thức. Sau khi đỗ đạt tiến sĩ; ông được phái đến Mật Châu làm Thông Phán Quan. Trước đó, ông đã từng có hôn ước với một cô gái ở quê nhà. Sau này Lưu Đình Thức thi đỗ tiến sĩ làm quan và còn được Tô Đông Pha hết trọng dụng.

Điều đáng nói là cô gái ấy sau này đã bị mắc bệnh nặng và mù cả hai mắt. Cha mẹ cô là nông dân nghèo khó. Vì thế họ cũng không dám nhắc lại chuyện cưới xin khi xưa. Tuy nhiên Lưu Đình Thức vẫn kiên quyết lấy cô gái mù làm vợ. Mọi người khuyên: “Cô gái kia đã bị mù hai mắt, anh hãy lấy người khác đi! Nếu nhất định phải giữ hôn ước với nhà họ, thì lấy em gái của cô ấy cũng tốt hơn.”

Lưu Đình Thức đáp: “Cứ cho rằng cô ấy bị mù thì đã sao? Năm đó ta đã đồng ý đính ước với cô ấy. Tuy không chính thức nhưng lòng đã hứa trao tấm chân tình này rồi, cũng gọi là hứa hôn. Nếu nay tôi làm trái lại tâm nguyện của mình, vậy chẳng phải tâm tôi đã trở thành kẻ xấu sao? Hơn nữa, con người ai rồi cũng sẽ già; khi người vợ già yếu đi cũng không thể đổi một người phụ nữ trẻ xinh đẹp khác. Con người cần giữ chữ tín; bản thân không thể thay lòng đổi dạ.”

Quan niệm về hôn nhân xưa và nay…

Trong xã hội ngày nay, hôn nhân là do đôi nam nữ tự quyết, không bị các ràng buộc gia đình như trước. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại quan niệm khá đơn giản về hôn nhân. Tình yêu được đặt lên hàng đầu để quyết định có tiến tới hôn nhân hay không.

Nếu còn yêu thì hôn nhân còn; nếu hết yêu thì hôn nhân rất dễ đổ vỡ. Đó là lý do vì sao ngày nay tỷ lệ ly hôn rất cao và có xu hướng gia tăng. Điều này đã gây ra nhiều hậu quả cho gia đình, xã hội và tương lai của con cái.

Ở phương Đông, khi kết hôn thì phải do trời đất chứng giám, do cha mẹ đồng ý và họ hàng hai bên chúc tụng. Ở phương Tây, người ta làm lễ thành hôn trong giáo đường; xin Chúa chứng giám cho hôn nhân. Thời xưa, ly hôn không chỉ là việc làm vô trách nhiệm; mà còn là sự phản bội đối với lời thệ nguyện thiêng liêng ấy.

Hôn nhân hai chữ thiêng liêng, không chỉ là tình yêu
Người xưa tin rằng chuyện hôn nhân giữ nam nữ là do trời đất sắp đặt.

Ngày nay, ở Phương tây, kể cả khi không làm lễ trang trọng như xưa; một số người chủ hôn vẫn giúp hai vợ chồng đọc lời nguyện ước: “Chúng tôi tự nguyện kết thành vợ chồng. Bắt đầu từ nay sẽ cùng nhau gánh trách nhiệm và nghĩa vụ với cha mẹ, giáo dục con cái; tôn trọng và tin tưởng nhau, yêu nhau đến cuối đời. Dù nghèo đói hay giàu sang, khỏe mạnh hay ốm yếu, chúng tôi cũng nguyện có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu…”

Đạo đức xã hội ngày nay xuống dốc, khiến “hôn nhân” không còn là hai chữ thiêng liêng…

Tình yêu là khởi đầu của hôn nhân; nhưng chỉ dựa vào tình yêu thì không thể khiến hôn nhân bền vững. Bởi khái niệm tình yêu và hôn nhân dù ở thời đại nào nó cũng đều khác nhau. Cái rung động nhất thời, cảm xúc, lãng mạn… của tình yêu không thể thay thế được lý trí và đạo đức của hôn nhân.

Con người trong xã hội hiện nay rất khó mà không bị dẫn động bởi nhiều cám giỗ. Điều này dẫn đến “ngoại tình, bắt cá hai tay, tình một đêm, chán cơm thèm phở”. Hơn nữa, vì quan niệm đạo đức ngày nay đã xuống dốc; nhiều người trẻ không còn các ước thúc về đạo đức nữa. Nên dẫn đến làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của hôn nhân vốn có đã truyền lại từ ngàn xưa. Thậm chí, trào lưu “sống thử” trở nên phổ biến mà không bị xã hội lên tiếng nữa.

Tiêu chuẩn làm người vẫn luôn không đổi dù cho xã hội có biến đổi tới đâu. Tuy nhiên, nhiều người đã hòa mình theo dòng chảy của xã hội. Những cái gọi là trào lưu hiện đại và tư tưởng tiến bộ, đã làm mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Hôn nhân là hai chữ thiêng liêng, là chuyện đại sự trong đời. Hôn nhân của kiếp này chính là mối duyên tiền định ở kiếp trước nên đều có sắp đặt cả.