Trong 2 ngày qua, TP. Hà nội liên tục thay đổi chính sách cấp giấy đi đường khiến nhiều người dân và doanh nghiệp ‘khóc ròng’; không biết đường nào mà lần!

Nhiều doanh nghiệp ‘khóc ròng’

Chính sách giấy đi đường thay đổi liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Chính sách giấy đi đường thay đổi liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên)

Theo tờ Thanh Niên, Chị T. giám đốc của công ty phân phối dược phẩm tại Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hôm qua, chị và các nhân viên trong công ty chạy đôn chạy đáo để đăng ký giấy đi đường mới.

Theo hướng dẫn, ngay sau khi đăng ký theo biểu mẫu (tên doanh nghiệp, số điện thoại, email, ngành nghề); nếu được duyệt thì phải nộp tiếp biểu mẫu số 2 gồm họ tên những người được cấp, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân; khu vực di chuyển, tuyến đường, ngành nghề và khung giờ di chuyển

Tuy nhiên, chị T. cho hay, công ty có gần 60 nhân viên, hôm qua đã phải cấp tốc liên hệ với cảnh sát khu vực để đăng ký giấy đi đường, nhưng cán bộ cho biết chỉ xét duyệt được 3 – 5 người và mới ở bước 1. Cảnh sát khu vực hẹn hôm nay sẽ cấp giấy nên chúng tôi vẫn đang chờ.

Lo không kịp giấy đi đường mới, công ty phải cho nhân viên tăng ca đến đêm để chuyển bớt hàng. Mỗi lần thay đổi chính sách, doanh nghiệp phải tăng chi phí và vất vả thêm rất nhiều.

Chủ một đại lý phân phối sữa tại H.Thanh Trì cũng cho biết, từ hôm qua đến nay anh liên tục gọi điện cho công an phường để chờ được hướng dẫn. Nếu không có giấy đi đường thì không thể đi giao hàng cho các cửa hàng nhỏ lẻ trong thành phố được.

Chính sách mới và những bất cập cho doanh nghiệp

Kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát gần cầu Chương Dương ngày 1.9
Kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát gần cầu Chương Dương ngày 1/9
(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu các thiết bị đo ô nhiễm có trụ sở tại Q. Hoàn Kiếm cho biết, theo quy định về 6 nhóm được ra đường thì công ty anh không thuộc nhóm nào. Lo lắng không được ra đường, đêm qua anh phải tới công ty mang con dấu về nhà.

Anh K. giám đốc một công ty tại KCN Nội Bài (H. Sóc Sơn) cũng cho hay, mặc dù công ty có hàng nghìn công nhân làm trong lĩnh vực sản xuất nhưng lại không được quy định trong 6 nhóm được ra đường.

Theo quy định cũ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, thiết yếu và doanh nghiệp sản xuất được phép hoạt động. Nhưng quy định mới thì chỉ doanh nghiệp thiết yếu và công ích mới được cấp giấy đi đường. Anh K. cho rằng, các giải pháp siết chặt để chống dịch là cần thiết, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

Việc cấp giấy đi đường có một số thay đổi so với quy định trước đây
Việc cấp giấy đi đường có một số thay đổi so với quy định trước đây
(ảnh chụp màn hình báo ZingNews).

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định cấp giấy đi đường của Hà Nội đang “dồn” quá nhiều việc cho công an; trong khi chưa tính kỹ đến ảnh hưởng thực tế của doanh nghiệp và người dân.

Một công ty có hàng ngàn người đều dồn hết cho công an phường hay CSGT thì làm sao cấp kịp. Một anh cảnh sát nhận hàng trăm tin nhắn của người dân đăng ký đi chợ thì sức đâu mà làm nổi.

Sáng nay, ngày 5/9 việc cấp giấy đi đường được Công an Hà Nội điều chỉnh lại so với dự định ban đầu. 

6 nhóm đối tượng được cấp giấy ra đường

Theo Vanbanluat.com, Công an thành phố Hà Nội thông báo về 6 nhóm đối được được cấp giấy ra đường và cơ quan thẩm quyền cấp giấy đi đường tại vùng 1 (vùng đỏ) từ ngày 6/9 như sau:

6 nhóm đối tượng được cấp giấy ra đường
6 nhóm đối tượng được cấp giấy ra đường
6 nhóm đối tượng được cấp giấy ra đường (ảnh chụp màn hình: Văn Bản Luật)

Như vậy, ba nhóm đối tượng phải làm lại giấy đi đường ở Hà Nội là nhóm 2, nhóm 5 và nhóm 6.

Quy trình cấp giấy đi đường

Theo tờ Zing, quy trình cấp giấy ra đường của nhóm 2, nhóm 5, nhóm 6 như sau:

Nhóm 2: Đơn vị cử đại diện cung cấp sách người lao động, lái xe (ô tô và xe máy) theo biểu mẫu của công an rồi gửi cho cơ quan quản lý. Sau đó, cơ quan quản lý gửi danh sách theo biểu mẫu cho Phòng CSGT qua thư điện tử. Phòng CSGT duyệt  và cấp giấy đi đường cho người điều khiển ô tô qua thư điện tử; sau đó cá nhân, tổ chức tự in ra. Đối với người điều khiển xe máy, Phòng CSGT in, ký, đóng dấu; gửi cơ quan chủ quản trả cho tổ chức, cá nhân.

Nhóm 5: Người đi mua lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu sẽ được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ mua hàng.

Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện không áp dụng giấy đi đường. Họ chỉ cần có giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân.

Trường hợp đi sân bay theo vé, đến cơ quan ngoại giao hay tòa án theo giấy hẹn cũng không áp dụng giấy đi đường. Người dân chỉ cần có giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân; phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Nhóm 6:  Thẩm quyền cấp giấy đi đường cho nhóm này là công an xã, phường, thị trấn cấp.

Quy trình cấp như sau: Cá nhân hoặc đơn vị cử đại diện làm việc trực tiếp với công an để cung cấp thông tin, email và xác thực email trên hệ thống. Sau đó lập danh sách các cán bộ, nhân viên theo biểu mẫu quy định qua gmail. UBND sẽ duyệt danh sách cấp giấy và chuyển cho công an ký, đóng dấu. Cuối cùng công an xã, phường, thị trấn gửi giấy đi đường trực tiếp cho cơ qua, tổ chức.

Công an Hà Nội đã đăng tải các biểu mẫu tại địa chỉ congan.hanoi.gov.vn. Đề nghị các cá nhân sau khi được cấp giấy đi đường và thẻ mua hàng thiết yếu chủ động khai báo y tế qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường. Để giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc cấp giấy đi đường hãy gọi tới đường dây nóng 069.2194.299.

Từ Khóa: