Dạy con theo cha mẹ Nhật Bản quan trọng nhất đó chính là dạy trẻ tính tự lập. Bên cạnh đó, họ còn chú trọng đến việc rèn các đức tính tốt cho trẻ như: biết kiềm chế cảm xúc, kiên trì, yêu thiên nhiên.
Nhật Bản là một quốc gia thường xuyên phải gánh chịu những thiệt hại to lớn từ những thảm họa như động đất, sóng thần… Nhưng sau mỗi lần bị thiệt hại do thiên tai, họ lại khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng.
Đạt được những thành công đó chính nhờ ý chí tuyệt vời của những con người thông minh nơi đây. Nền tảng mà họ có được, chính từ phương pháp giáo dục mà ngay khi còn rất nhỏ đã được cha mẹ bồi đắp.
Xem nhanh
Dạy con tự lập – kỹ năng sống quan trọng nhất
Trẻ em ở Nhật Bản luôn được cha mẹ khuyến khích tự làm những việc trong khả năng của mình; như tự mặc quần áo, tự xúc đồ ăn, tự đến trường… Thậm chí, các bé còn có thể sử dụng phương tiện công cộng khi đi ra ngoài mà không cần cha mẹ bên cạnh.
Ở các nước khác trên thế giới, trẻ em khi còn nhỏ thường được cha mẹ bao bọc chăm sóc. Nên phương pháp này sẽ khó được họ lựa chọn vì lo lắng cho con; nhưng với cha mẹ Nhật, họ luôn để con tự lập ngay khi còn nhỏ. Với họ tự lập là kỹ năng sống quan trọng nhất cần dạy cho trẻ từ sớm.
Dạy con tính kiên trì
Với cha mẹ Nhật khi trẻ bắt đầu làm việc nào đó, dù có chậm hay sai sót thì cũng là chuyện rất bình thường. Họ không bao giờ chê trách hay phàn nàn con cái. Họ luôn khích lệ để trẻ kiên trì thực hiện công việc đến khi đạt được kết quả. Đây cũng là đức tính mà cha mẹ Nhật luôn dạy con từ khi còn rất nhỏ.
Dạy con biết kiềm chế cảm xúc
Trong cách dạy con của người Nhật Bản, kiềm chế cảm xúc là đức tính quan trọng trẻ cần có. Từ nhỏ, trẻ luôn được cha mẹ dạy bảo cần duy trì tình cảm, sống hòa thuận với mọi người. Ngoài ra, các bé cũng cần học cách thích nghi với môi trường xung quanh. Cha mẹ Nhật dạy trẻ không được phép đòi hỏi, tức giận vô cớ khi ở nơi công cộng.
Dạy trẻ yêu thiên nhiên
Người Nhật rất yêu và bảo vệ thiên nhiên. Vì lẽ đó, cha mẹ Nhật rất coi trọng việc để trẻ sống hòa hợp với môi trường bên ngoài. Vào dịp nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, trẻ sẽ cùng cha mẹ đi dã ngoại và khám phá thiên nhiên. Ở Nhật Bản, các công viên, khu cắm trại được thiết kế phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
Cách cha mẹ Nhật ứng xử với con cái
Bên cạnh việc dạy trẻ mà chúng ta đáng học hỏi thì cách cha mẹ Nhật thể hiện tình yêu với con cái cũng khiến chúng ta khâm phục.
Cha mẹ Nhật không “khoe” con
Cha mẹ Nhật thường hiếm khi kể với người khác về con cái của mình. Với người Nhật việc “khoe” hay kể lể về con với người khác là điều tối kỵ. Thường họ chỉ chia sẻ với những người thân thiết trong gia đình. Không phải là họ không quan tâm đến con cái.
Bởi trong văn hóa nuôi dạy con cái của người Nhật, tính cạnh tranh rất lớn và nhiều áp lực. Vì thế, họ luôn cố gắng tạo điều kiện cho con được học hành trong môi trường tốt nhất. Họ tôn trọng không gian của con nên sẽ không can thiệp hay kể về con quá nhiều với người khác.
Thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách khác nhau
Cha mẹ Nhật có những cách riêng để thể hiện tình cảm với con cái. Mặc dù rất yêu thương con cái nhưng cha mẹ Nhật luôn hạn chế ôm hôn con mình. Lý do là bởi người Nhật cho rằng, những hành động trên là không tốt, có nguy cơ gây ra một số bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Nhưng không có nghĩa là cha mẹ và con cái có khoảng cách.
Cha mẹ và con cái trong gia đình Nhật rất gần gũi và thân thiết với nhau. Ví dụ, cha mẹ thường ngủ cùng với con đến khi con học hết mẫu giáo. Trẻ nằm giữa bố mẹ và thường xuyên được thủ thỉ, âu yếm, vuốt ve. Nhiều gia đình Nhật Bản để gắn kết tình cảm giữa các thành viên thường chọn cách tắm suối nước nóng để cùng thư giãn.
Luôn luôn chuẩn bị bữa ăn cho con
Hình ảnh những em bé Nhật Bản sách những hộp cơm nhỏ xinh đến trường không còn xa lạ. Điều này thể hiện sự cần thiết và quan trọng trong bữa ăn của trẻ đối với cha mẹ Nhật. Các bà mẹ Nhật Bản luôn quan tâm đến chế độ ăn uống và tự tay chuẩn bị cơm cho con.
Cho dù bận rộn, họ vẫn luôn cố gắng chuẩn bị những hộp cơm ngon miệng, bắt mắt, đủ dinh dưỡng. Những hộp cơm hấp dẫn khiến trẻ thích thú ăn uống để có đủ năng lượng cho một ngày hoạt động.