Nhiều người không còn xa lạ gì với món chè trôi nước truyền thống. Cùng tham khảo cách nấu chè trôi nước ngũ sắc hấp dẫn, nhiều màu và thơm ngon dưới đây nhé!
Xem nhanh
Nguyên liệu nấu chè trôi nước ngũ sắc
- Bột nếp: 500g
- Đậu xanh: 500g (không vỏ)
- Nước cốt dừa: 550 ml
- Khoai lang trắng: 1 củ (khoảng 200g)
- Nước cốt lá dứa: 2 thìa canh
- Nước cốt củ dền: 2 thìa canh (hoặc dùng nước cốt lá cẩm)
- Nước cốt dành dành: 2 thìa canh (hoặc nước cốt nghệ tươi)
- Nước cốt gấc: 2 thìa canh
- Gừng: 1 nhánh
- Mè trắng rang: 1 ít
- Bột bắp: 1 thìa cà phê
- Đường phèn: 250g
- Muối: 1 ít
- Dụng cụ thực hiện: Xửng hấp, bếp, nồi, rổ, tô…
Cách chọn mua đậu xanh mẩy, ngon
- Nên chọn loại đậu xanh mới, hạt căng tròn, bóng, ngửi thấy có mùi thơm tự nhiên của đậu.
- Khi cầm trên tay có cảm giác chắc chắn và không còn lớp bụi phấn để lại.
- Không nên chọn mua những hạt đậu màu sắc và mùi lạ, có dấu hiệu bị mốc hoặc mối mọt.
- Nếu không mua được đậu xanh đã cà vỏ, có thể mua đậu xanh còn vỏ, ngâm khoảng 2 – 3 tiếng rồi đãi sạch vỏ đi là được.
Cách chọn mua khoai lang tươi ngon
- Củ khoai lang ngon sẽ thon dài hoặc tròn, phần eo không bị lõm. Ngoài ra những củ ít xơ, nhiều bột, vị ngọt thì nên chọn khoai khi ấn vào cảm giác thấy không quá cứng.
- Bên cạnh đó, những loại củ ngọt, bở thường có một lớp phấn hoặc đất còn bám trên vỏ.
- Tránh mua những củ sứt và nứt quá nhiều, bề ngoài không lành lặn vì đây đều là những dấu hiệu cho thấy khoai không được ngon.
- Tránh mua những củ khoai bị thâm đen hoặc rỗ vì đó là những củ khoai đã bị hư, không dùng được nữa.
Cách nấu chè trôi nước ngũ sắc ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Khoai lang đem gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng khoanh. Tiếp theo, cho khoai vào xửng hấp, hấp khoảng 15 phút tính từ khi nước sôi.
Khi khoai đã chín mềm, lấy khoai ra bát và dùng thìa tán nhuyễn.
Đậu xanh khi mua về đem rửa sạch, ngâm với nước ấm khoảng 2 tiếng cho đến khi đậu mềm rồi vớt ra để ráo.
Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng rồi thái sợi.
Bước 2: Trộn bột bánh
Sau khi tán nhuyễn khoai, cho thêm 500g bột nếp vào, dùng tay trộn đều cho đến khi khoai và bột nếp quyện đều.
Tiếp theo, cho từ từ 100ml nước sôi vào, vừa cho nước sôi vừa nhào cho đến khi bột mịn dẻo thì chia thành 5 phần bột bằng nhau.
Mách nhỏ:
- Tùy theo độ hút nước của bột mà có thể tăng giảm lượng nước cho phù hợp.
- Nên nhào bột bằng tay để cảm nhận rõ độ đạt của bột, nếu nhão quá thì cho thêm bột vào và ngược lại.
Bước 3: Làm màu ngũ sắc
Trộn từng phần bột với nước củ dền, nước cốt dành dành, nước lá dứa và nước gấc, nhào đều.
Phần còn lại để màu tự nhiên của bột.
Bước 4: Làm nhân đậu xanh
Cho phần đậu xanh vào nồi, bắc lên bếp nấu ở lửa vừa, thêm 250ml nước cốt dừa, 30g đường phèn và 1/2 thìa cà phê muối.
Cho nước lọc vào ngập mặt đậu, đun sôi rồi điều chỉnh lửa nhỏ; đậy vung nấu thêm 20 phút cho đến khi đậu cạn nước là được.
Dùng chày để giã nhuyễn đậu rồi lấy từng thìa đậu vo tròn làm nhân.
Bước 5: Tạo hình bột
Lấy 1 thìa bột vo thành từng viên tròn hơi dẹt rồi lấy 1 viên nhân đậu xanh cho vào giữa miếng bột.
Túm bột sao cho bột bao lấy nhân đậu xanh, vo tròn. Làm lần lượt cho đến khi dùng hết nguyên liệu.
Mách nhỏ: Phần bột dư còn lại cũng có thể vo thành những viên nhỏ nấu chè luôn đều được!
Bước 6: Luộc viên chè
Đun sôi một nồi nước trên lửa vừa rồi thả các viên chè vào và luộc trong khoảng 15 phút cho đến khi các viên chè chín và nổi lên trên mặt nước.
Lúc này vớt chè viên ra; cho vào bát nước lạnh ngâm khoảng 5 phút rồi vớt ra để cho ráo nước.
Bước 7: Nấu nước đường, nước cốt dừa
Bắc nồi lên bếp đun ở lửa vừa, cho 300ml nước cốt dừa, 20g đường phèn, 1/3 thìa muối vào, khuấy đều cho đường tan hết.
Đợi nước sôi thì cho 15ml nước bột bắp (1 thìa cà phê bột bắp hòa với 2 thìa cà phê nước) khuấy đều, thấy nước sệt lại thì tắt bếp.
Đặt nồi lên bếp ở lửa vừa, cho 500ml nước cùng với 200g đường phèn, 1/2 thìa muối, gừng; nấu trong khoảng 2 – 3 phút cho đến khi đường tan hết.
Sau đó cho các viên chè vào nấu thêm 3 phút; nêm nếm lại sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Múc chè ra chén, rắc mè trắng rang, thêm chút nước cốt dừa là có thể thưởng thức.
Thành phẩm món chè
Món chè trôi ngũ sắc đã hoàn thành, màu chè rất hài hòa và bắt mắt.
Chè có vị dai, ngọt, quyện với nhân đậu xanh, thơm của gừng, chút béo của nước cốt dừa; thêm chút mè rang làm tăng thêm hương vị ăn rất ngon.
Không chỉ những ngày lễ vào cả vào những ngày rảnh rỗi cùng thực hiện cách nấu chè trôi nước ngũ sắc để chiêu đãi cả nhà nhé!
Xem thêm: