Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến phổi và hệ tim mạch, mà còn gây tổn thương nặng nề đến gan – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Gan, khi bị ảnh hưởng bởi các chất độc từ khói thuốc, có thể dần mất đi khả năng tự phục hồi, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ, xơ gan, và cuối cùng là ung thư gan.
Xem nhanh
4 tác hại của thuốc lá đối với gan
1. Tác động gây độc trực tiếp đến gan
Khói thuốc chứa hàng nghìn chất độc hại, trong đó có nicotine và carbon monoxide; là những yếu tố chính gây tổn thương mô gan lành. Những chất này thúc đẩy stress oxy hóa – một trạng thái mất cân bằng trong cơ thể khi các gốc tự do tấn công tế bào mà không được trung hòa bởi các chất chống oxy hóa. Stress oxy hóa kéo dài không chỉ làm tổn thương tế bào gan mà còn thúc đẩy sự hình thành sẹo xơ hóa gan.
Bên cạnh đó, hút thuốc làm gia tăng nồng độ các cytokine tiền viêm trong cơ thể. Các cytokine này, như IL-1, IL-6, và yếu tố hoại tử khối u α (TNF-α); hoạt động như những “chất xúc tác” gây viêm, tấn công và phá hủy tế bào gan. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng gan một cách nghiêm trọng.
2. Suy giảm chức năng miễn dịch của gan
Hút thuốc không chỉ tác động đến chức năng gan mà còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch; tuyến phòng thủ quan trọng giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Một số chất trong thuốc lá ức chế sản xuất kháng thể và làm giảm số lượng tế bào lympho; loại bạch cầu chuyên biệt giúp tiêu diệt vi khuẩn và tế bào ung thư. Kết quả là, gan không còn khả năng tự bảo vệ mình trước những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài; tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
Không chỉ vậy, các chất độc trong thuốc lá còn làm gián đoạn hoạt động của các gene chống ung thư tự nhiên trong cơ thể. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư gan mà còn đẩy nhanh tiến trình xơ hóa và suy giảm chức năng gan.
3. Thúc đẩy gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng phổ biến ở những người hút thuốc; đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác như béo phì và tiểu đường. Nicotine, chất gây nghiện chính trong thuốc lá; tích tụ trong ruột và kích hoạt một loại protein gọi là AMPK, dẫn đến sản xuất ceramide – một loại lipid tích tụ trong gan. Sự hiện diện lâu dài của ceramide gây ra sự hình thành mỡ trong gan; ảnh hưởng đến chức năng gan và tăng nguy cơ viêm.
Một khi tình trạng này không được điều trị, nó có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Điều đáng lo ngại là người hút thuốc có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao hơn so với người không hút thuốc; và tác động này trở nên nghiêm trọng hơn khi kết hợp với các thói quen sống không lành mạnh.
4. Nguy cơ xơ gan và ung thư gan
Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các hóa chất trong thuốc lá như benzene, nitrosamine và vinyl chloride đều là những chất độc hại cho gan. Chúng không chỉ làm tăng stress oxy hóa mà còn thúc đẩy sự hình thành sẹo, dẫn đến xơ gan. Một lá gan bị xơ hóa không chỉ mất đi khả năng hoạt động; mà còn trở thành môi trường lý tưởng cho ung thư phát triển.
Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) cũng cảnh báo rằng ngay cả thuốc lá điện tử; vốn được coi là ít độc hại hơn, cũng chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có thể gây tổn thương gan. Điều này nhấn mạnh rằng không có loại thuốc lá nào thực sự an toàn cho sức khỏe.
Hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ gan
Hút thuốc tác động tiêu cực đến gan trên nhiều cấp độ; từ tế bào, mô, đến hệ thống chức năng tổng thể. Nó không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như gan nhiễm mỡ chuyển hóa; mà còn thúc đẩy tiến triển xơ gan và ung thư gan. Việc bỏ thuốc lá không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan; mà còn cải thiện sức khỏe toàn diện, từ phổi, tim mạch đến hệ miễn dịch.
Để bảo vệ gan và sức khỏe tổng thể, bác sĩ Khanh khuyến nghị rằng người hút thuốc nên có kế hoạch bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Hành trình từ bỏ thuốc có thể khó khăn; nhưng với sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các chuyên gia y tế, nó hoàn toàn có thể thực hiện được. Một lá gan khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để duy trì một cuộc sống chất lượng và lâu dài.