Thủ tướng yêu cầu từ 0 giờ ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16. Điều quan tâm rất lớn lúc này là khả năng đảm bảo lương thực cho người dân địa phương.
Trong số này, có 3 tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 là TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai. 16 tỉnh còn lại phải giãn cách là: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Xem nhanh
Bộ Công Thương nói gì?
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói trên Tuổi Trẻ rằng Bộ này đã “chuẩn bị các kịch bản cho tình huống áp dụng chỉ thị 16 trên 19 tỉnh, thành phố”.
Ông Hải nói “đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống người dân. Song chúng tôi cũng lưu ý người dân phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định”.
Trở lại gian đoạn trước và trong khi giãn cách TP. HCM theo Chỉ thị 16, Bộ Công Thương cũng luôn khẳng định: “Nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…”. Tuy nhiên, thực tế, chuỗi cung ứng hàng hóa cho Sài Gòn đứt gãy; chợ truyền thống đóng cửa khiến người dân đổ dồn về các siêu thị, làm giá cả biến động; tình trạng khan hiếm nông sản ở Thành phố; nhưng tại các nhà vườn rau củ quả bị thối nát, bỏ ế do không có người nhập hàng…
Thực trạng này được báo Tuổi Trẻ phân tích qua bài viết “Đừng bình ổn thị trường trên giấy” (Đọc bài viết).
Chợ đầu mối Hóc Môn sắp mở cửa
Theo thông tin từ VnExpress, chợ đầu mối Hóc Môn (TP. HCM) đang chuẩn bị hoàn tất phương án; dự kiến đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong 1-2 ngày tới.
Khu vực sử dụng làm điểm trung chuyển là trong lòng chợ đầu mối, rộng 5.000 m2. Toàn bộ được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt; chỉ có xe tải chở hàng từ các nơi đến và xe tải nhỏ nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn mới được ra vào. Các xe ba gác hay xe máy đến chở hàng đều không được vào chợ.
Hàng hoá về đến điểm trung chuyển phải bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay. Tất cả tài xế bên giao lẫn bên nhận hàng; nhân viên bốc xếp làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ và khai báo y tế…
Dự kiến, trong đêm đầu tiên có 2 thương nhân đăng ký đưa hàng về trạm trung chuyển; sản lượng hàng hoá tối đa có thể đạt 120-140 tấn.
Số điện thoại phản ánh tình trạng tăng giá của 23 tỉnh thành phía Nam
Tổng cục Quản lý thị trường vừa công bố số điện thoại đường dây nóng của cục quản lý thị trường 23 tỉnh, thành phía Nam; để tiếp nhận, xử lý hành vi tăng giá, lợi dụng dịch bệnh để gian lận thương mại.
Trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16; người dân có thể sử dụng các số điện thoại này để thông báo về các hành vi tăng giá bất chính. Chi tiết xem Tại đây.