Khoảng 16.000 lao động, chuyên gia sẽ bị ảnh hưởng khi tỉnh Đồng Nai quy định người từ TP. HCM về từ 0h ngày 5/6 phải cách ly 21 ngày, theo Vnexpress.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho biết tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM rất phức tạp. Có nhiều chuỗi lây lan nhanh và nguy hiểm, nhất là chuỗi liên quan đến nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Từ ngày 26/5 đến nay đã có 6 tỉnh miền Nam: Long An, Đồng Tháp, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh và Bạc Liêu đã ghi nhận các ca bệnh liên quan.

Đồng Nai lập chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1 qua TP HCM (ảnh chụp màn hình).

Ngoài cách ly tại nhà và nơi cư trú, những người đến từ TP. HCM phải lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Những người không khai báo y tế sẽ bị xử phạt theo quy định.

Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM (Hepza) cho biết, việc Đồng Nai thực hiện các biện pháp cách ly người từ TP HCM sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người lao động, nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp và lưu thông hàng hóa giữa hai địa phương. 

Theo Hepza, hàng ngày có khoảng hơn 6.000 lao động ở Đồng Nai đến các khu chế xuất, KCN Cát Lái, Bình Chiểu, Linh Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3 tại TP. HCM làm việc. Ngoài ra, rất nhiều hàng hóa xuất – nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa hai địa phương.

Phó ban quản lý Khu công nghệ cao quận Thủ Đức – bà Lê Bích Loan cho biết, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại việc sản xuất bị ảnh hưởng khi Đồng Nai áp dụng biện pháp cách ly người từ TP. HCM. Đơn vị này đã nêu  ý kiến với lãnh đạo UBND TP. HCM để tháo gỡ.

Trong cuộc họp chỉ đạo chống dịch Covid-19 TP HCM chiều 4/6; Giám đốc Sở Công thương thành phố – ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất lo lắng với quyết định cách ly 21 của tỉnh Đồng Nai. Ông cho rằng, Đồng Nai rất quan trọng trong việc giao thương với TP. HCM; nếu thực hiện theo quy định này thì sẽ ảnh hưởng tiêu thụ trên toàn thành phố.

Phó chủ tịch UBND TP HCM – ông Dương Anh Đức đang cùng Sở Giao Thông và Sở Y tế nghiên cứu nội dung văn bản và tình hình thực tế để trao đổi với chính quyền tỉnh Đồng Nai. Làm sao đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất, tránh ảnh hưởng đến sản xuất cũng như quá trình lưu thông hàng hoá.

Trả lời VnExpress, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai – ông Thái Bảo cho biết, Đồng Nai là tỉnh giáp ranh với TP. HCM nên số lượng lao động và các chuyên gia nước ngoài ở TP. HCM về làm việc trong các KCN ở địa phương này khoảng 10.000 người, nguy cơ dịch bùng phát là rất cao. Tỉnh có hướng dẫn các công ty sắp xếp công nhân và chuyên gia ở lại Đồng Nai làm việc hoặc làm việc trực tuyến.

Đồng Nai cách ly người từ vùng dịch về (ảnh chụp màn hình).

Ông Bảo nhấn mạnh, Đồng Nai không “ngăn sông cấm chợ”, hàng hóa và các nhu phẩm của hai tỉnh vẫn lưu thông bình thường. Biết sẽ có khó khăn ít nhiều đối với người dân, nhưng vì tình hình phòng chống Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mong người dân chia sẻ với tỉnh về quyết định này.

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai – bác sĩ Phan Huy Anh Vũ cho biết, tỉnh này đã nghiên cứu và làm đúng quy định phòng chống dịch của Chính phủ. Theo ông, nếu để số lượng lớn lao động và chuyên gia đi lại giữa hai địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có ổ dịch bùng phát.

Tỉnh cũng quy định, đối với vận chuyển hàng hóa, tài xế vào Đồng Nai giao hàng chỉ cần khai báo y tế rồi về lại TP. HCM, không phải cách ly 21 ngày.  Những tài xế chạy xe Bắc – Nam phải khai báo y tế, không được ghé lại địa điểm nào tại Đồng Nai, không tiếp xúc với người khác.

Cũng giáp ranh TP. HCM, từ 0h ngày 5/6, các tỉnh  Long An, Đồng Tháp cũng thực hiện khai báo y tế và cách ly 21 ngày đối với người từ vùng dịch trở về.