Con trẻ rất dễ bắt chước các hành vi của cha mẹ, cả tốt lẫn xấu. Vì thế, có một số thói quen xấu của cha mẹ nên sớm thay đổi vì tương lai của con mình.

Cha mẹ chính là tấm gương để con cái nhìn vào mỗi ngày. Nếu cha mẹ muốn con mình tốt, hãy cố gắng duy trì nhiều thói quen tốt mỗi ngày. Ngược lại, nếu cha mẹ có thói quen xấu, hãy thay đổi hoặc hạn chế chúng trước mặt con cái.

Dưới đây là một số thói quen xấu của cha mẹ nên sớm thay đổi vì tương lai của con mình.

1. Tiết kiệm mọi thứ nhưng lại không tiếc chi tiêu cho con

Có không ít bậc cha mẹ sống rất tiết kiệm, tằn tiện trong mọi thứ nhưng lại chi tiêu không tiếc tay cho con cái. Họ cho rằng, như vậy mới là thương con; nhưng thực tế trẻ lại không cảm nhận được điều đó; và không biết ơn với những gì cha mẹ làm cho mình.

Tiết kiệm mọi thứ nhưng lại quá hào phóng với con
Là cha mẹ đối với con cái đều không tiếc chi tiêu, cho con cái sự chăm sóc tốt nhất bất kể là thể chất hay tinh thần.

Yêu thương con cái không phải cho con những thứ đắt tiền; mà là cho con những gì phù hợp. Dạy trẻ cách quản lý tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ, sống biết ơn và biết báo đáp mới là điều cha mẹ cần làm cho con.

2. Hay nói tục

Nếu cha mẹ thường có lời nói tục và hành vi thô lỗ, đương nhiên con cái sẽ bắt chước theo; lâu dần những hành vi này trở thành thói quen xấu khó thay đổi. Trẻ sẽ không biết phép lịch sự và thường bị mọi người ghét bỏ và xa lánh.

Vậy nên, vì tương lai của con cái, cha mẹ nên cố gắng thay đổi để trở thành một người văn minh và lịch sự. Trong việc giáo dục con cái, lời nói và hành động phải đi liền với nhau.

3. Hay so sánh con mình với người khác

Việc bị cha mẹ so sánh mình với những bạn bè khác sẽ khiến cho con trẻ có cảm giác rất khó chịu, uất ức; và nảy sinh tâm lý chán ghét muốn chống đối lại cha mẹ. Hơn nữa, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, không tự tin.

Hay so sánh con mình với người khác- thói quen xẫu của cha mẹ khiến con tự ti
Bị so sánh không chỉ đánh mạnh vào lòng tự tin của trẻ mà còn khơi dậy lòng oán hận của trẻ.

Cha mẹ lúc nào cũng dùng tiêu chuẩn của những đứa trẻ khác để đo lường con mình; hãy từ bỏ thói quen xấu này; hãy để trẻ tự do phát triển một cách tự nhiên; chỉ cần con không quá chậm chạp thì không phải lo lắng.

4. Quá bao bọc con – thói quen xấu của cha mẹ khiến trẻ không biết tự lập

Có nhiều cha mẹ luôn tỏ ra lo lắng thái quá với con mình. Họ không để cho con cái làm bất cứ điều gì. Điều này vô tình tước đi mọi cơ hội trải nghiệm của trẻ; khiến chúng không thể học hỏi và rèn luyện sức khỏe.

Khi trẻ không biết tự lập, không biết chăm sóc bản thân, chúng sẽ ngày càng ỷ lại và lười biếng hơn; chúng sẽ khó thích nghi với cuộc sống tập thể trong tương lai. Yêu con thì cha mẹ nên tạo cơ hội để trẻ làm một số việc trong khả năng của mình. Việc quá yêu con thực tế mang lại nhiều tác hại hơn là lợi.

5. Cho trẻ dùng điện thoại di động quá sớm

Trong cuộc sống ngày nay, có không ít cha mẹ luôn thoải mái đưa con dùng điện thoại để rảnh tay làm những việc khác. Tuy nhiên, bức xạ của điện thoại rất bất lợi cho sự phát triển của trẻ; nó có hại cho hệ thần kinh, não bộ, thị giác và thính giác cũng bị kích thích mạnh; đồng thời dễ gây ra các vấn đề về phát triển xương như cột sống cổ.

 Cho trẻ dùng điện thoại di động quá sớm - thói quen xẫu của cha mẹ làm hại con
Với nhiều phụ huynh, điện thoại di động giống như “vú em điện tử”, giúp trẻ thấy vui mà người lớn lại không bị làm phiền.

Cho trẻ tiếp xúc các thiết bị điện tử quá sớm không phải là điều tốt; vì vậy cha mẹ cần giới hạn thời gian và độ tuổi cho con mình sử dụng.

6. Thể hiện sự tức giận trước mặt con cái

Có đôi lúc cha mẹ bị áp lực trong cuộc sống, công việc, vợ chồng mâu thuẫn cãi vã nhau… ; và rồi “giận cá chém thớt”, họ trút những bực tức trong lòng lên con cái. Điều này không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn gây ra những tổn thương không thể xóa nhòa trong tâm hồn con trẻ.

Dù có khó chịu đến đâu thì cha mẹ cũng cần học cách bình tĩnh đối diện với thực tế; đừng đổ hết mọi thứ lên những đứa trẻ vô tội.

7. Nói dối – thói quen xấu của cha mẹ khiến trẻ không tin vào lời hứa

Đôi khi, những bậc cha mẹ hoàn toàn không nhận ra họ đang nói dối; họ thậm chí còn tự mãn về những lời nói dối của mình. Tất cả những điều này sẽ như thế nào trong lòng của một đứa trẻ? Trước hết, trẻ sẽ cảm thấy nói dối là không sai; sau đó chúng có thể bắt chước theo hoặc có cái nhìn méo mó về cha mẹ mình.

Khi chứng kiến cha mẹ không giữ lời hứa, trẻ sẽ học cách quên những lời hứa và dễ dàng trốn tránh chúng bằng cách nói dối.

Những gì cha mẹ hứa với con cái đều cần thực hiện; bởi một khi mất đi sự tin tưởng của trẻ, cha mẹ sẽ ngày càng xa cách với chúng.

8. Chần chừ, thiếu quyết đoán, hay trì hoãn

Một số cha mẹ luôn trì hoãn và không có ý thức về thời gian. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, nó sẽ khiến trẻ lề mề, hay trễ hẹn. Cha mẹ cần dạy trẻ khái niệm về thời gian ngay từ nhỏ; và để trẻ hiểu được tầm quan trọng của thời gian. Mọi việc phải được tiến hành theo kế hoạch và hoàn thành theo đúng thời gian quy định.

9. Không tuân thủ luật lệ giao thông

Vượt đèn đỏ, không chú ý tới luật lệ giao thông khi tham gia giao thông của cha mẹ… không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân và người khác; mà còn khiến con cái bắt chước theo. Trẻ em không có ý thức an toàn và tự bảo vệ bản thân nên rất dễ gặp nguy hiểm dù đi chơi hay ở nhà.

Khi có con rồi, cha mẹ nên cố gắng thay đổi để trở nên gương mẫu hơn. Thay vì suốt ngày nói con phải biết tuân thủ luật lệ giao thông, thì tốt hơn cha mẹ nên làm gương cho con noi theo.

10. Trách mắng con nơi công cộng – thói quen xấu của cha mẹ khiến trẻ bị tổn thương

Có thể do trẻ mắc lỗi hay vì một lý do nào đó, một số cha mẹ thản nhiên mắng mỏ, quát tháo con cái ở nơi công cộng. Điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng cảm thấy tự ti. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm giữa cha mẹ và con cái; đồng thời không khiến trẻ tự nhận ra lỗi của mình.

Trách mắng con nơi công cộng - thói quen xấu của cha mẹ khiến trẻ bị tổn thương
Nếu trẻ lỡ mắc lỗi hay làm điều gì đó chưa đúng thì cha mẹ đừng nên trách mắng mà hãy nhẹ nhàng nói cho con biết con sai ở đâu để trẻ nhận thức ra và sửa đổi, (ảnh chụp màn hình istockphoto).

Những hành vi thường ngày của cha mẹ có thể hướng trẻ tới một cuộc sống lành mạnh tích cực; nhưng cũng có thể làm sai lệch cuộc sống của đứa trẻ. Vì vậy, trước mặt con cái, cha mẹ hãy luôn để ý lời nói và hành động của mình, đừng gieo mầm thói hư tật xấu cho con.

Theo afamily.vn