Chiều 12/3, lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương cho biết tài khoản YouTuber Thơ Nguyễn đã nộp thuế trên 2 tỷ đồng và cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát.

Ngày 10/3, đoạn clip ghi lại hình ảnh YouTuber Thơ Nguyễn “xin vía học giỏi” từ búp bê giống Kumathong được đăng trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi đã khiến nhiều người bức xúc, đặc biệt là các bậc phụ huynh. 

Nhiều dân mạng đã lên án mạnh mẽ nữ YouTuber này, vì cho rằng những clip như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Nhiều người xem video cho rằng, Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong. Các bậc phụ huynh bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ. Bởi lẽ Kumanthong là một loại búp bê tâm linh có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người; nó còn được coi là thứ bùa ngải, bùa chú tà ma.

Ngày 12/3, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục Thuế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết kết quả rà soát cho thấy chủ nhân của kênh YouTube và Tiktok “Thơ Nguyễn” là Nguyễn Thị Hồng Thơ (ngụ thành phố Thuận An) đã có kê khai, nộp thuế trong những năm gần đây.

Theo đó, năm 2019 Thơ Nguyễn đã nộp 1,476 tỷ đồng tiền thuế (gộp lại của nhiều năm trước); năm 2020 nộp 360 triệu đồng và đầu năm 2021 đã nộp 213,5 triệu đồng.

Về việc kê khai và nộp thuế của Thơ Nguyễn đã đúng, đủ chưa, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục rà soát.

Trong một diễn biến khác, sau khi phối hợp với công an xác minh, tới trực tiếp nơi cư trú của Thơ Nguyễn tại TP. Thuận An, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương đã mời cô này tới sở làm việc vào đầu tuần tới về việc đăng video “búp bê ma”.

Bị lên án dữ dội, Thơ Nguyễn lên tiếng giải thích

Kênh Youtube Thơ Nguyễn có tới gần 8,8 triệu lượt theo dõi với hàng trăm video được đăng tải. Thời gian gần đây, Thơ Nguyễn mở thị trường ra TikTok.

Vào hai ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 video có nội dung về liên quan đến cầu xin búp bê tâm linh. Ở video đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn nói “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ” nên quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”. Trong video này, Thơ Nguyễn ôm một con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng ‘mẹ’ và gọi búp bê là ‘con’. Nhiều người xem cho biết, cảm nhận những gì xuất hiện trong video đem tới cảm giác tà ma, kinh dị.

Bị dư luận lên án, chiều 10/3, Thơ Nguyễn đã lên tiếng giải thích trên trang Facebook cá nhân. Người này nói rằng: “TikTok là nội dung 60s nên buộc phải chia thành 2 clip. Trong clip 1 mình đã chú thích rõ là mình không nuôi và phải siêng học mới học giỏi. Clip tiếp theo thì nói rõ ràng luôn. Nếu các bạn xem chưa đầy đủ thì không thể đưa ra kết luận”.

Đại diện của Thơ Nguyễn cũng có giải trình qua điện thoại rằng cô bị hiểu nhầm, chứ clip của cô không hoàn toàn là tuyên truyền mê tín dị đoan.

Cùng thời điểm, Thơ Nguyễn còn lên Facebook khoe bảng điểm thời đi học Đại học Luật TP. HCM.

Tho-Nguyen-youtuber
Sau khi bị dư luận phản đối vì đăng 2 video ‘xin điểm búp bê’, Thơ Nguyễn lên Facebook khoe bảng điểm khi học ĐH Luật.

Theo báo Thanh Niên, khi phóng viên liên lạc với Thơ Nguyễn vào chiều 10/3, Youtuber đình đám này cho biết hiện cô đang cảm thấy “khủng hoảng tinh thần và suy sụp” sau sự việc trên.

Cần lên án, khởi kiện YouTuber độc hại

Chị Trần Đông Vân (quận 7, TP. HCM) nêu ý kiến trên Tuổi Trẻ rằng: “Là một người mẹ, tôi mong rằng sẽ có nhiều phản ứng mạnh, thậm chí khởi kiện Thơ Nguyễn. Phải mạnh tay mới cảnh tỉnh được những người sản xuất nội dung trên YouTube, nhắc nhở họ đừng vì tiền bạc mà làm những điều gây ảnh hưởng đến con trẻ. Trước khi làm nội dung, các YouTuber cần cân nhắc tính nhân văn, tính cộng đồng và pháp lý”.

Chị Vũ Kim Anh (quận 2) cho hay những YouTuber như Thơ Nguyễn nắm được tâm lý trẻ em nên lợi dụng điều đó để kiếm tiền, thay vì giúp trẻ em học điều hay lẽ phải. “Con gái tôi ban đầu cũng thích kênh Thơ Nguyễn nhưng tôi thấy kênh này nhảm nhí, ngôn từ vô duyên. Tôi không cấm vì nếu vậy, con sẽ càng tò mò. Tôi chọn cách xem cùng con, phân tích với con cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp để con hiểu được và tránh xa. Là phụ huynh, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ con cái”, chị nói.

Chị Linh Vương (quận 2) lại cho rằng các phụ huynh nên sử dụng tốt hơn ứng dụng YouTube Kids để lọc nội dung cho con mình. Phụ huynh nên lựa chọn YouTube Kids cho con, cài đặt các từ khóa được phép và không được phép sử dụng.

Về các clip “độc hại” khó sàng lọc bằng các tiêu chí của YouTube, Facebook… , theo viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, có một giải pháp là đưa bộ môn học giáo dục kỹ năng số vào trong nhà trường để trang bị kỹ năng an toàn trên môi trường số.

Video nói đến trong bài có tính độc hại, quý độc giả lưu ý không nên tìm xem video.