Trên đoạn đường 700m tại ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang có tới 17 cặp sinh đôi. Trong đó, có người hơn 80 tuổi và người nhỏ nhất 10 tuổi; đều là sinh tự nhiên và đa phần nghèo khó.

Clip đoạn đường 700m có tới 17 cặp sinh đôi (nguồn: Vietnamnet).

Trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Nam – phó chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho biết, ấp Phước Khánh nhiều năm nay có 13 hộ sinh đôi, nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

“Họ không áp dụng bất kỳ phương pháp thụ tinh nhân tạo nào. Do có quá nhiều cặp song sinh nên nhiều người vẫn đùa rằng đây là ấp sinh đôi”, ông Nam nói.

kỳ lạ đoạn đường 700m có tới 17 cặp sinh đôi;
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Bùi Văn Dẫn (62 tuổi, ngụ ấp Phước Khánh) cho hay, cả khu vực này dù kéo dài chỉ khoảng 700m nhưng tất cả đều có gia đình sinh đôi. Người dân ở đây không sử dụng bất kỳ biện pháp nhân tạo nào cả; tất cả đều nghèo khó.

“Đa số sinh ra đều khỏe mạnh nhưng không ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay chỉ có 4 gia đình ở lại, đa số đều bỏ đi nơi khác kiếm sống, số sinh đôi còn lại thì một số đã già yếu, số bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp”, ông nói.

TS. BS Trần Quang Hiền – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – cho biết, số ca sinh đôi ở các nước Trung Phi có tỷ lệ từ 36 đến 60/1.000 ca sinh. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, trung bình có từ 9 đến 16 ca sinh trên 1.000 ca sinh. Còn đối với khu vực Mỹ La tinh, Nam Á và Đông Nam Á; tỷ lệ này chỉ là 6 đến 9/1.000 ca tự nhiên.

“Còn việc di truyền sinh đôi từ bố sang con là trường hợp cực kỳ hiếm trong y học. Cứ 10.000 ca sinh mới có 1 trường hợp. Tôi cho rằng xã Phước Hưng có nhiều cặp sinh đôi là do tự nhiên. Không thể tác động nhân tạo mà có được cố lượng nhiều như vậy”, ông Hiền nói.