Không khí Xuân đang đến thật gần. Càng gần những ngày cuối năm, trên khắp phố phường, những chậu hoa Tết đủ loại theo chân người phủ đầy các vỉa hè. Đây cũng là thời điểm mọi người tíu tít chuẩn bị về quê. Gặp ai cũng ríu rít hỏi: bao giờ về Tết?  Nhưng năm nay khi dịch bệnh bùng phát, Tết liệu có ai về?

Xuân này con không về

Nhiều tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ học sớm hơn dự kiến vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tin tức về dịch bệnh liên tục được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Và nỗi lo không về được nhà đã thành hiện thực. Tết này không về có thể Tết năm sau sẽ về. Nhưng nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì liệu còn đường về…?. Đành vậy. Tôi quyết định hủy vé, tạm gác chuyến về Tết lần này.

Tình hình chung buộc mọi người phải tuân thủ, nhưng quả thật; một nỗi buồn không hề nhẹ cứ len lén dâng lên trong lòng tôi. Bao dự định cho Tết này đều bị gác lại. Thương nhất bóng mẹ ngồi chờ con bên cửa vì mẹ vẫn nhớ lời con hẹn: “Tết con sẽ về”!

Quê hương là chốn khiến bao người dù đi muôn nơi vẫn không nguôi một khát khao cháy bỏng được trở về.
Nỗi niềm đau đáu trong giấc mơ của những người xa quê mong trở về vào dịp năm mới. (Ảnh: Pexels)

Tết trong tâm tư người Việt

Tết gắn với tâm tưởng người dân Việt bao đời nay với ý nghĩa : Tết là để đoàn tụ, sum vầy. Có rất nhiều từ trong tiếng Việt gắn liền với “Tết”: ăn Tết, chơi Tết, vui Tết, đón Tết, chợ Tết, hoa Tết, chúc Tết, câu đối Tết, lì xì Tết, tàu xe Tết, trực Tết, thưởng Tết, sắm Tết, tiêu Tết, hoặc là mất Tết, ngại Tết, sợ Tết, trốn Tết… Rất nhiều hoạt động, hình ảnh gắn liền với Tết nhưng tôi thích nhất là “về Tết”.

Về Tết là về với những gì thân thương nhất đã từ lâu nương trú trong tâm trí mỗi người. Tết là để trở về bên gia đình, bên những người ta yêu thương nhất và cũng là những người yêu thương ta vô điều kiện.

Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào dịp Tết (trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp), phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết. Chợ Tết được diễn ra nhiều nơi từ các đô thị cho tới vùng nông thôn, đến các vùng núi rừng, vùng cao cho đến ở Hải ngoại.[1][2] Một trong những phong tục vui Xuân của người Việt Nam là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt.[3] Chợ Tết xưa mang nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.[4]
Không khí nhộn nhịp của chợ tết khiến sắc Xuân như hiện hữu quanh ta. (Ảnh chụp từ: htv.com)

Về Tết là về với những nhớ mong

“Về Tết” luôn gợi cho tôi nhớ đến những con đường. Phố phường thì tấp nập xe cộ, nhiều người kiên nhẫn chờ, nhích từng nửa vòng bánh xe. Người thì tỏ ra sốt ruột bấm còi inh ỏi. Ai cũng cố gắng mau chóng lách ra khỏi dòng người chật cứng đó để về nhà. Cái cảm giác thoát ra khỏi dòng kẹt cứng đó mới sảng khoái làm sao… Về với những con đường làng lất phất mưa bay, chật tiếng nói cười của láng giềng làng xóm.

Nhưng “Về Tết” còn là con đường trong giấc mơ của những người xa quê vì nhiều lý do không thể trở về. Là nỗi trống vắng khắc khoải luôn đong đầy trong tim.

“Về Tết” gợi lên hình ảnh ngôi nhà của cha mẹ nép mình dưới bóng tre xanh. Là bóng mẹ bên bờ giếng múc từng gàu nước mát lành mà rửa trôi hết muộn phiền. Là căn bếp nhỏ đầy ắp tiếng cười của lũ trẻ bên nồi bánh chưng. Mùi hương lá mùi già của nồi nước tắm cuối năm, tiếng pháo ran trước cửa, mùi hương trầm quyện những cánh hoa đào vừa hé nhụy… Đâu có nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ cho người đi nhớ, người ở mong. Và là chốn khiến bao người dù đi muôn nơi vẫn không nguôi một khát khao cháy bỏng được trở về.

Một thoáng…vùng cao

Về tết là khoảng thời gian ta trở lại là chính mình
Bỏ lại sau lưng những ồn ào và trở về với những yêu thương ta trân trọng cả đời.

Về Tết về với khoảng thời gian đặc biệt

Là khoảng thời gian chùng lại sau những tất bật, lo toan. Là khoảng thời gian mà dường như mọi ồn ào, xô bồ của cuộc sống đều dừng lại bên ngoài cánh cửa. Những tranh chấp đua chen cũng tạm thời lắng lại. Là khoảng thời gian của đoàn tụ, sum vầy. Mỗi người đều tự nhìn nhận lại mình về cách sống, đối nhân xử thế để trong thời khắc đoàn viên thiêng liêng này có điều gì cần trân trọng, tha thứ hay buông bỏ.

“Về Tết” còn là sự trở về của chính chúng ta. Là thoát ra khỏi những lo âu của công việc, của những áp lực. Ta trở về với con người thật của chính mình. Soi lại mình trong một năm qua. Những vấp ngã, những thành công, những hi vọng nào đang nhen nhóm, những ước mơ nào còn dang dở… “Về Tết” cũng là về với những yêu thương ta trân quý cả đời. Cũng để ta thêm yêu đời, yêu người; để yêu thương và độ lượng với chính mình hơn.

“Về Tết” quả là một chuyến đi đặc biệt nhất trong năm. “Đi thật xa để trở về”.

Video xem thêm:

Nguồn: Sưu tầm.

Từ Khóa: