Nước đậu đen đem lại nhiều công dụng tốt nên được nhiều người uống hàng ngày. Tuy nhiên, uống nước đậu đen sai cách có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo Đông y, đậu đen được dùng để giải độc, thanh nhiệt, giải stress, dưỡng gan, sáng mắt,… Đối với phụ nữ, dùng đậu đen rất tốt. Từ lâu, phụ nữ Nhật Bản đã sử dụng đậu đen như một trong những bí quyết để giải nhiệt, chữa nóng trong người, mát gan, tránh nổi mụn nhọt, duy trì làn da mịn màng. Với các công dụng này, nhiều người đã tranh thủ uống nước đậu đen vào mùa hè để khỏe người, đẹp da, giữ dáng. Nhưng theo các chuyên gia, đậu đen chỉ tốt khi sử dụng đúng cách.

6 điều cần lưu ý khi uống nước đậu đen

1. Không uống khi cơ thể bị cảm lạnh

Nước đậu đen là một thức uống có tính hàn, khi tiêu thụ quá nhiều sẽ khiến lạnh bụng, dễ dẫn đến tiêu chảy. Đặc biệt, đối với cơ thể đang bị cảm thì không nên sử dụng vì nước đậu đen có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Để giảm tính hàn trong thực phẩm này thì nên rang đậu đen trước khi chế biến.

 Không uống khi cơ thể bị cảm lạnh
Nước đỗ đen tính hàn cao, nếu uống vào sẽ khiến cơ thể càng thêm lạnh (ảnh chụp màn hình: vietnammedicalpractice.com).

2. Khi đang có vấn đề ở thận

Vì nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu nên những người bị thận yếu và mắc các bệnh về thận sẽ khiến thận bị quá tải và làm trầm trọng thêm các vấn đề.

3. Không uống khi tiêu hóa đang kém

Theo Đông y, đậu đen có tính mát nên không dùng trong các trường hợp hư hàn, mắc các vấn đề về tiêu hóa. Tốt nhất, sau khi khỏi bệnh thì nên sử dụng nước đậu đen để tăng sản sinh collagen, giảm cân, trắng da cũng như cải thiện sức khỏe toàn diện.
Ngoài ra, những người chân tay lạnh, sợ lạnh… cũng không nên sử dụng. Tiêu thụ nước đậu đen trong trường hợp này sẽ khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị dứt điểm.

Không uống khi tiêu hóa đang kém
Những người đang mắc bệnh viêm đại tràng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không nên sử dụng nước đậu đen (ảnh chụp màn hình: baobaoan.vn).

4. Không uống nước đậu đen thay nước lọc

PGS.TS Trần Đình Toán (Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho hay uống nước đỗ đen thay cho nước lọc sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ những chất bên trong cơ thể. Do vậy, người dùng nước đậu đen thay nước lọc có thể cảm thấy cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải. Tốt nhất nên dùng luân phiên, 2-3 lần/tuần. Khi nấu nước đậu đen cũng chỉ nên sử dụng lượng vừa phải; khoảng 20-40g đậu đen nấu thành nước uống là thích hợp.

5. Không dùng nước đậu đen để uống thuốc

Theo các chuyên gia nhận định, nước đậu đen làm cản trở quá trình hấp thụ một số chất. Sử dụng nước đỗ đen uống thuốc sẽ làm giảm các tác dụng của thuốc. Trong một số trường hợp, nó còn gây ra phản ứng thuốc rất nguy hại.

Những điều cần lưu ý khi uống nước đậu đen để tránh gây hại cho sức khỏe
Người đang trong quá trình dùng thuốc mà uống nước đậu đen thì sẽ phản ứng với các thành phần có liên quan trong thuốc (ảnh chụp màn hình: thanhnien.vn).

6. Không uống cùng với sắt, kẽm, canxi

Đậu đen cũng giống những các loại đậu khác chứa rất nhiều phytate. Chất này có thể làm giảm hấp thu một số khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi. Do vậy, những người phải bổ sung sắt, kẽm, canxi thì không nên dùng chung với nước đậu đen. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những thực phẩm có nhiều sắt, kẽm, canxi cũng không nên sử dụng chung với đậu đen để tránh làm giảm khả năng hấp thụ trên cơ thể.

Uống nước đậu đen tốt cho sức khỏe nhưng nếu mắc một trong số các trường hợp trên đây thì không nên uống vào dễ gây hại cho sức khỏe.