Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ luôn là những kinh nghiệm quý báu, những lời khuyên răn mà ông cha ta để lại cho đời sau. Trải qua bao nhiêu năm, đó vẫn luôn là những món quà tinh thần còn mãi giá trị với thời gian...

Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hai câu tục ngữ: “Anh em nắm nem”; “Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”.

1. Anh em nắm nem

Trong sách Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học, xuất bản năm 1952, có giải thích về câu “Anh em nắm nem” như sau:

“Anh em nắm nem. Câu này ý bỏ lửng ở đoạn giữa. Lẽ ra phải nói thế này mới đủ ý: anh em nắm nem ba đồng, muốn ăn thì trả sáu đồng mà ăn: nghĩa là nắm nem bán cho người ngoài có ba đồng, bán cho anh em thì bán những sáu đồng một nắm; ý nói anh em đối đãi với nhau không có tình nghĩa gì cả, càng anh em càng xử tệ với nhau.”

Bìa sách Tục ngữ Việt Nam giải lược của Lê Văn Hoè, xuất bản năm 1952.
Sách Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học xuất bản năm 1952.

Ca dao tục ngữ tương tự:

Anh em hiền thậm là hiền
Bởi một đồng tiền mà đấm đá nhau.

Anh em hiếu thảo thuận hiền
Chớ vị đồng tiền mà mất lòng nhau.

Những ca dao tục ngữ khác về tình anh em, chị em:

Anh em như thể tay chân.

Cắt dây bầu dây bí, ai cắt dây chị dây em.

Em ngã đã có chị nâng.

Em thuận anh hoà là nhà có phúc.

Anh ngủ em thức, em chực, anh đi nằm.

Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em.

Anh em trên kính dưới nhường
Là nhà có phúc mọi đường yên vui.

Anh em như chân với tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

2. Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy

Sách Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe giải thích câu tục ngữ “Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy” như sau:

“Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy. Ăn cơm với cáy (một thứ cua nhỏ ở bể) là khi nhà còn nghèo; ăn cơm thịt bò là lúc đã giàu có. Khi còn nghèo thì đêm ngủ một mạch đến sáng chẳng phải lo lắng gì, khi giàu có thì đêm lo ngay ngáy không ngủ được, chỉ sợ trộm cướp đến nhà. Câu này ý nói giàu có chưa hẳn đã là sung sướng.”

Suy ngẫm

Ngày xưa ấy, đồng ruộng tự nhiên, con người thiện lương, chẳng dùng hoá chất… nên con cáy cũng nhiều.

Sau những trận mưa đầu hè ở xứ “Ông Cò” là lúc cáy bò ra khỏi hang, sau thời gian “ngủ đông” nên cáy tháng 4 thường gầy, ít thịt. Tháng 10 thì cáy, đỏ au, càng to và rất mẩy.

Cái thời sinh viên ấy có lần, anh bạn cùng phòng về quê mang lên một can mắm cáy, do chính mẹ anh làm, hương vị thơm thơm, ngọt ngọt. Rót mắm ra chén, giằm vô miếng ớt chấm rau muống luộc… Bữa cơm sinh viên đơn sơ, nhưng vui vẻ, hồn nhiên tếu táo bình phẩm câu “Ăn thịt bò lo ngay ngáy – Ăn mắm cáy ngáy o o”…

Chớp mắt, tình cờ gặp lại bạn xưa, mới biết anh bạn “mắm cáy xứ ông Cò” nghèo khó, chân chất giờ là một doanh nhân thành đạt, một bước lên xe… ăn uống nơi nhà hàng sang trọng. Gặp bạn cũ anh nhiệt tình mời mọc ăn nhậu, hàn huyên chuyện thời sinh viên… Đùng một cái, thấy báo đăng anh phạm tội cho đi bóc lịch nhiều năm.

Nhớ đến bữa cơm rau muống, mắm cáy của mẹ anh ngày xưa… người mẹ quê mùa đã chắt chiu từng con cáy làm mắm cho con mang đi ăn học… Vòng xoáy cuộc đời cuốn đi, câu chuyện tếu táo “Ăn thịt bò lo ngay ngáy…” vào dĩ vãng cùng với mùi vị mắm cáy ngày xưa!