Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ luôn là những kinh nghiệm quý báu, những lời khuyên răn mà ông cha ta để lại cho đời sau. Trải qua bao nhiêu năm, đó vẫn luôn là những món quà tinh thần còn mãi giá trị với thời gian.

Tục ngữ là những câu nói đúc kết kinh nghiệm trong dân gian. Từ những phương diện muôn hình muôn vẻ của cuộc sống thực tiễn được dân ta ứng dụng vào suy nghĩ, lời ăn tiếng nói và khuyên răn… với ý nghĩa dễ hiểu, dễ nhớ, có nhịp điệu, có hình ảnh có vần điệu hàm chứa nghĩa đen và nghĩa bóng…

Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về câu tục ngữ: “Chồng trước đánh mau, chồng sau mau đánh”.

1. Giải thích câu tục ngữ: Chồng trước đánh mau chồng sau mau đánh

Trong sách Tục ngữ lược giải – Quyển II của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học, xuất bản năm 1952, có giải thích về câu “Chồng trước đánh mau chồng sau mau đánh” như sau:

“Chồng trước đánh mau chồng sau mau đánh – Mau ở đây không phải là chậm, mau.

Mau, đây là tiếng nghịch nghĩa với tiếng thưa. Thưa là ít, là cách xa nhau. Mau là nhiều, gần sát với nhau. Nghĩa ấy thấy trong thành ngữ: mưa thưa, mưa mau, cấy thưa, cấy mau, trồng thưa, trồng mau…

Đánh mau, nghĩa là đánh nhiều, đánh luôn, hay đánh; mau đánh nghĩa cũng như thế.

Chồng trước đánh mau chồng sau mau đánh nói: cô gái lấy phải anh chồng hay đánh đập mình, liền chê bỏ đi lấy anh chồng khác, không ngờ anh chồng sau cũng hay đánh như anh chồng trước, thành ra cũng vậy thôi.

Người ta thường dùng câu này để nói: cùng làm một việc, cùng ở một địa vị, thì ở đâu cũng thế thôi, không nơi nào hơn, kém, cũng như thân phận của người phụ nữ bị chồng hành hạ.

Câu này ý nghĩa cũng gần như câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.”

Tục ngữ Việt Nam là những câu nói hoàn chỉnh, đúc kết kinh nghiệm qua thời gian của người Việt Nam về thiên nhiên và lao động sản xuất, về con người và xã hội. Tục ngữ thiên về trí tuệ nên thường được ví von là "trí khôn dân gian". Trí khôn đó rất phong phú mà cũng rất đa dạng nhưng lại được diễn đạt bằng ngôn từ ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, giàu hình ảnh và nhịp điệu. Có thể coi tục ngữ là văn học nói dân gian nên thường được nhân dân vận dụng trong đời sống sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng và xã hội hay hẹp hơn như lời ăn tiếng nói và khuyên răn.
Sách Tục ngữ lược giải – Quyển II của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học, xuất bản năm 1952.

2. Ca dao tục ngữ tương tự

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Chạy trời không khỏi nắng.

3. Suy ngẫm

Ngoài ba mươi, em bước ra khỏi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Không phải vì chồng ngoại tình, bạo hành hay nợ nần cờ bạc. Chỉ là vì em đã sa vào những chì chiết, cãi vã, khiến mối quan hệ chẳng thể vãn hồi.

Sai lầm đầu tiên của em và kéo dài cho tới lúc chia tay đó là chê bai, nói xấu gia đình chồng.
Em không tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực mà lại phàn nàn với chồng. Lâu dần chồng tỏ ra chán nản, bỏ hết ngoài tai.

Sai lầm thứ hai của em là chú trọng ngoại hình nhưng lại không chú ý lời ăn tiếng nói. Em nghĩ sao nói vậy, lúc nóng giận nói những lời mếch lòng. Đáp lại là sự im lặng. Em cứ nghĩ sự im lặng ấy là chiến thắng. Nào ngờ, là thua một cách đớn đau…

Gương vỡ giờ chẳng thể lành, thiệt thòi nhất chính là con cái. Nếu em chẳng thay đổi thì những cuộc hôn nhân sau cũng sẽ chung số phận như câu tục ngữ “Chồng trước đánh mau, chồng sau mau đánh”

Hy vọng những ai còn có tổ ấm nguyên vẹn sẽ trân trọng và thường xuyên xem xét bản thân, nắm bắt được hạnh phúc nội tại. Mong chị em có một cuộc sống hôn nhân bình an hạnh phúc!