Bảo quản thực phẩm là nhu cầu cần thiết trong mỗi gia đình. Nhưng nếu bảo quản không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc hoặc thức ăn mất chất dinh dưỡng.
Trào lưu tự hút chân không để bảo quản thực phẩm
Túi hút chân không được người tiêu dùng đánh giá là sản phẩm có thể giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả trong một thời gian nhất định. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không đủ điều kiện tiệt trùng theo quy định thì có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường yếm khí, gây hại cho sức khỏe người dùng.
Theo Tuổi trẻ, túi hút chân không thực phẩm được bày bán khá phổ biến. Chỉ từ 70.000 – 120.000 đồng đã có thể mua được sản phẩm với hình thức như cân ký hoặc bán theo cuộn, theo bịch đủ mọi kích cỡ. Và chỉ cần 500.000 đồng là người tiêu dùng đã mua được một chiếc máy hút chân không mini.
Chị N.T.K. – nhân viên một cửa hàng bao bì ở quận 6 cho biết mỗi ngày cơ sở bán ra cả trăm ký bao bì hút chân không. “Mặt hàng này rất đắt khách vì tiện dụng. Cửa hàng còn bán cả máy hút chân không để phục vụ nhu cầu của khách hàng”.
Chị Lê Ngọc Trúc (ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết chị thường tự đặt mua các loại túi chân không trên mạng để bảo quản thức ăn nhiều ngày. “Vì mình chỉ đi chợ mỗi tuần hai lần, nên các thực phẩm như cá, thịt heo, thịt bò mình thường cho vào túi hút chân không để bảo quản, giữ được độ tươi lâu hơn, khi cần dùng cũng không tốn thời gian rã đông như khi bảo quản đông lạnh”, chị Trúc nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng từng đưa ra khuyến cáo về việc dùng túi “hút chân không” mà các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc.
Cẩn thận cách bảo quản thực phẩm trong môi trướng yếm khí
Túi hút chân không thường được làm bằng nhựa PA+PE (nhựa nguyên sinh) đặc tính mềm, dẻo hoặc nhựa PET+PE có độ giòn hơn, với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng quy định gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho biết tất cả các thực phẩm đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum đặc biệt thực phẩm nhiều protein như: pate, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men, thịt, cá ướp… có nguy cơ cao cho vi khuẩn clostridium botulinum phát triển hơn.
Ngày 29/3 chia sẻ với báo Tuổi trẻ, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong nhận báo cáo từ KonTum cho biết có thêm ca ngộ độc nghi do botulinum. Đây là trường hợp độc lập với nhóm ca bệnh xuất hiện giữa tháng 3 ở Bình Dương. Bệnh nhân bị ngộ độc cũng ăn cá suối muối trong âu đậy kín.
Đây là vụ ngộ độc thứ 3 nghi do botulinum trong tháng 3 này, gồm 1 vụ ở Bình Dương và 2 vụ ở Kontum.
Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các hộ gia đình và cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Bởi vì khi không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng thực phẩm được đóng gói kín sẽ có nguy cơ sinh ra độc tố botulinum gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
Ngộ độc do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, tê liệt các bộ phận, người liệt nặng có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường yếm khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
Ngoài hút chân không, còn có một cách bảo quản thực phẩm mà ngày nay hầu hết các gia đình đều áp dụng đó là cấp đông thực phẩm.
Trong vô số những cách bảo quản thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc và đảm bảo ăn uống đủ dinh dưỡng, giới chuyên gia đặc biệt khuyên người tiêu dùng sử dụng cấp đông thực phẩm để bảo quản thực phẩm dài lâu, không có nguy cơ bị ngộ độc cũng như mất chất dinh dưỡng trong chế biến.