Sau 5 ngày thầy Triết kêu gọi, số tiền ủng hộ đã lên tới 170 triệu đồng để mua máy thở cho bệnh nhân khó khăn. Cùng với đó, vợ chồng thầy Phùng Ân Hưng hỗ trợ hơn 60 tấn gạo, gần 100 tấn chuối và các thực phẩm khác tặng miễn phí cho người nghèo.
Mới đây, một bài viết trên báo VietNamNet chia sẻ về những việc làm đầy ý nghĩa của nhóm thầy cô giáo tại TP. HCM. Xuất phát từ tấm lòng lương thiện muốn giúp đỡ người khác; các thầy cô giáo không ngại khó khăn nguy hiểm, mang những món quà đầy ý nghĩa tới người dân nghèo.
Xem nhanh
Thầy giáo kêu gọi mua máy thở cho bệnh nhân nặng
Thầy giáo Võ Anh Triết (ở TP. HCM) là người rất tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện từ đầu mùa dịch. Không những vậy, thầy Triết còn đứng ra kêu gọi các học trò cũ, bạn bè chung tay cho chiến dịch “ Hãy giúp tôi thở”.
Thầy Triết chia sẻ:“Các bệnh nhân nặng cần được thở máy, nhưng tình hình ngày càng khó khăn. Nếu không thở được, họ sẽ không qua khỏi. Suy nghĩ duy nhất của tôi ở thời điểm ấy là phải giúp họ thở. Vì thế, tôi đứng ra kêu gọi quyên góp cấp bách để hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 nặng”.
Biết được thông tin, nhiều phụ huynh, bạn bè và học trò cũ từ khắp mọi nơi đều chung tay ủng hộ.
Chỉ sau 5 ngày kêu gọi, số tiền mọi người ủng hộ đã lên tới 170 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên được thầy Triết sử dụng để mua một máy thở và 1.000 chiếc khẩu trang N95 gửi tới Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kêu gọi chương trình ‘Oxy cho tôi’
Khoảng giữa tháng 8, số lượng bệnh nhân tăng lên nhiều hơn; thầy Triết nhận thấy nhu cầu bình oxy là rất cần thiết. Sau đó chương trình “ Oxy cho tôi” ra đời; kêu gọi mọi người chung tay giúp bệnh nhân Covid-19.
Sau 2 ngày kêu gọi, số tiền ủng hộ lên tới hơn 180 triệu đồng. Phần lớn số tiền này được dùng để mua oxy cung cấp cho Bệnh viện Dã chiến 16 trong 45 ngày. Còn lại được trích để mua cồn y tế tặng Bệnh viện Dã chiến số 6. Thầy Triết kỳ vọng, chuyến thứ 45 sẽ là chuyến cuối cùng chở oxy tới bệnh viện dã chiến 16.
Thầy Triết chia sẻ thêm: “Trong suốt thời gian qua, điều khiến tôi xúc động nhất là việc sẵn sàng sẻ chia của mọi người. Những số tiền quyên góp được cũng đều vượt quá so với dự tính ban đầu. Mọi người đã chia sẻ bằng một tấm lòng ấm áp, tử tế, dù đó có thể là người họ không quen biết. Với tinh thần tương thân tương ái ấy, tôi tin rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch này”.
Hỗ trợ hơn 60 tấn gạo, gần 100 tấn chuối
Là giáo viên dạy cấp 3 ở TP. HCM, chứng kiến nhiều người phải chật vật khi dịch bệnh bùng phát, thầy Phùng Ân Hưng (ngụ ở phường 8, Q.Gò Vấp) cùng vợ là cô giáo Nguyễn Thị Mộng Thùy ngay từ những ngày đầu đã luôn tìm cách giúp đỡ những người khó khăn.
Theo tờ Thanh Niên cho biết, từ năm 2015-2017, thầy Phùng Ân Hưng chuyển công tác về huyện Trảng Bom, Đồng Nai dạy 2 năm tại Trường THPT Văn Lang. Trong thời gian sống và làm việc tại đây đã giúp anh có thêm nhiều đồng nghiệp và học trò của mình.
Năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát ở TP. HCM, anh đã về Đồng Nai kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ người nghèo ở TP. HCM vượt qua đại dịch; nhiều bà con bán chuối thật rẻ, thậm chí còn cho không. Sau này có thêm vườn chuối ở Đồng Nai, thầy Hưng và vợ mình vẫn thường thu hoạch và mua thêm của người dân đem tặng miễn phí cho bà con ở TP. HCM.
Cùng chiếc xe ba gác tới các điểm tìm người khó khăn
Trong lúc tham gia tặng nhu yếu phẩm cho người dân, chị Thùy nhiều lần rơi nước mắt khi thấy những người khuyết tật vốn đã chật vật để mưu sinh, nay lại càng khó khăn vì dịch bệnh. Vì thế, hai vợ chồng tiếp tục gom thêm những nhu yếu phẩm khác để tặng cho người dân nghèo.
Trên chiếc xe ba gác của vợ chồng thầy Hưng chất đầy gạo, trứng, chuối, rau,… đi tới từng điểm tìm người khó khăn.
Cô Thùy chia sẻ: nhiều nơi có những người khuyết tật không thể đi được quá xa để tới điểm tặng đồ ăn miễn phí; vì vậy chúng tôi cố gắng đi từng con hẻm để trao tận tay những người cần.
Siêu thị 0 đồng ra đời
Ban đầu, chỉ hai vợ chồng thầy Hưng cùng chiếc xe ba gác chạy khắp nơi TP.HCM. Khi biết được câu chuyện của họ, bạn bè và các mạnh thường quân cũng ngỏ lời muốn chung tay góp sức; và siêu thị 0 đồng ra đời.
Hiện tại, nhóm có 12 người bốc vác và giao hàng; 12 người làm công tác hậu cần, đóng gói cùng 12 phương tiện gồm ô tô, xe bán tải, xa ba gác và xe máy để giao hàng.
Để đảm bảo không bỏ sót một ai, các kênh liên lạc trên mạng xã hội luôn có người túc trực. Những trường hợp này thường là các mẹ bầu thiếu lương thực; người già neo đơn hay trẻ em bị mất người thân trong đại dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nhóm đã hỗ trợ được hơn 2.000 người với khoảng 60 tấn gạo; gần 100 tấn chuối và nhiều tấn lương thực, thực phẩm khác.