Phạm Văn Thưởng – người giúp tài xế taxi khống chế tên cướp kể: Hai người đang vật lộn, xung quanh có vài người nhưng chỉ đứng dùng điện thoại quay video, không ai can thiệp.

Theo báo Vietnamnet, ngày 18/5, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) đã mời Phạm Văn Thưởng (SN 1990, quê Thái Bình, hiện đang ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội), người đã giúp tài xế Minh bắt tên cướp đến để xác minh thông tin liên quan trong vụ việc cướp taxi tại đường Cienco 5, xã Cự Khê.

Thưởng cho biết, chiều ngày 16/5 anh cùng một người em tên Tuấn đi xe máy từ huyện Thanh Oai về quận Hà Đông. Khi đến gần ngã tư thuộc địa bàn xã Cự Khê, anh thấy phía bên kia đường hai người đang vật lộn với nhau, máu me be bét.

Anh Thưởng nói, thời điểm đó anh thấy có vài người đứng gần nhưng không ai vào can ngăn hay hỗ trợ, mà chỉ đứng quay video bằng điện thoại. Anh còn thấy cả người công an đứng gần đó nhưng không vào can thiệp.

“Tôi hỏi làm sao đấy, người mặc áo trắng nói “anh giúp em với, nó là cướp, nó đâm em”. Thấy người áo trắng máu chảy nhiều, tôi lại gần vạch áo ra thấy ở ngực trái của người này có vết dao đâm, tôi hỏi dao dâu, lái xe bảo dao ở trong xe taxi.

“Lập tức, tôi lao vào giữ tên cướp, đồng thời bảo lái xe taxi đi sơ cứu. Khi tôi giữ tên cướp, lái xe taxi đi về phía xe ôtô, tôi mới hỏi làm gì thế, nghỉ đi, lái xe taxi bảo lấy điện thoại để điện thoại về cho vợ. Lúc đó, tôi nói với tên cướp, tao cho mày vào lề đường ngồi, mày mà chạy tao đánh”, anh Thưởng kể lại.

Theo anh Thưởng, khi dẫn tên cướp vào lề đường, anh đã nhanh tay cởi áo của tên cướp, dùng áo đó trói tay hắn.

“Ngồi giữ tên cướp được một lúc, tôi nhờ người đi đường chở tài xế taxi vào bệnh xá gần đó cấp cứu. Tài xế taxi đi được một lát thì ôtô công an xã Cự Khê ra còng tay tên cướp đưa về trụ sở”, anh Thưởng nói.

Anh Thưởng cho biết, anh thường giúp người gặp nạn là chuyện bình thường (ảnh chụp màn hình kênh 14)

Anh Thưởng cho biết, trước đây cũng nhiều lần đi trên đường gặp các vụ tai nạn giao thông, anh đều đỗ lại, giúp người bị nạn.

Anh Thưởng nói thêm rằng, việc dừng lại giúp tài xế taxi là việc rất bình thường. Ngay cả khi thấy nguy hiểm như gặp cướp thì người dân nên đồng lòng để cùng phối hợp bắt giữ tội phạm.

Liên quan đến vụ việc trên, Công an huyện Thanh Oai đã có hình thức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển đại úy Nguyễn Văn Lâm (36 tuổi; cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vô cảm đứng nhìn dân bắt cướp về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), chuyện người dân bắt cướp, còn cảnh sát đứng nhìn, dửng dưng như trong đoạn clip là chuyện chưa từng xảy ra. “Bởi vậy, việc dư luận xã hội bức xúc là điều dễ hiểu. Về nguyên tắc là hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, thủ tục kỷ luật nhanh chóng nhưng mức độ kỷ luật là cảnh cáo thì tôi cho rằng như vậy là chưa phù hợp”, luật sư nói.

Luật sư Cường cho biết, pháp luật quy định cho phép mọi công dân đều được bắt quả tang người phạm tội. Cứu giúp người bị hại trong tình huống gặp nguy hiểm không chỉ là đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.

Theo pháp luật, người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có thể, hình phạt lên đến 2 năm tù. Đối với người có trách nhiệm, có nghề nghiệp đòi hỏi phải giúp đỡ nạn nhân mà không cứu giúp nạn nhân thì có thể bị xử lý đến 5 năm tù.