Không chỉ là một loại trái cây ăn quả có mẫu mã đẹp, quả phật thủ còn được Đông y vô cùng coi trọng vì khả năng chữa bệnh tuyệt vời của nó.
Trên mâm ngũ quả ngày Tết truyền thống của nhiều gia đình Việt được bày thêm quả phật thủ; với mong muốn năm mới sung túc, ấm no, mạnh khỏe. Nhưng trong Đông y, loại quả này là một vị thuốc chữa bệnh vô cùng tuyệt vời.
Xem nhanh
Công dụng của quả phật thủ
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), cho biết trong Đông y, phật thủ có vị cay, đắng, chua, tính ấm; có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau… Phật thủ còn có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen; và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit; dùng để làm thuốc thơm điều hòa khí. Y học hiện đại ghi nhận, phật thủ chữa được tính truyền nhiễm của bệnh viêm gan trẻ em.
Trong bách khoa “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi có ghi, phật thủ dùng ngày 3-6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Phật thủ rửa sạch, thái thành phiến, phơi khô ngâm với rượu; uống trước bữa ăn, có tác dụng chữa tỳ vị rất tốt.
Bài thuốc chữa bệnh từ quả phật thủ
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, phật thủ có thể được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn ngon bổ dưỡng; cũng như các bài thuốc quý. Nếu như vỏ cam, chanh hay quýt có thể sử dụng làm siro trị ho, viêm họng; thì phật thủ cũng có công dụng như vậy. Thuốc chế từ quả phật thủ có thể chữa được những bệnh thường gặp vào dịp Tết và cách chế biến vô cùng đơn giản.
Chữa bệnh đường tiêu hóa
- Chán ăn, không tiêu, ngực sườn trướng đau, buồn nôn, nhiều đờm, đau mỏi lưng: Nguyên liệu: sử dụng phật thủ 30g, rượu 5 lít. Phật thủ thái nhỏ để ráo nước ngâm rượu. Ngâm 5 ngày có thể lấy ra uống, mỗi lần uống 15 – 20ml vào trước bữa cơm chiều.
- Kiện tỳ, trợ tiêu hoá: lấy 15g gạo, 100g đường phèn. Nấu phật thủ lấy nước, rồi cho gạo vào nấu cháo ăn vào các buổi sáng.
- Đau bụng do lạnh: dùng 15g phật thủ khô, 30g gạo rang. Sắc uống ngày 3 lần.
- Ợ hơi: lấy vỏ quả phật thủ tươi ngâm với đường cát, nhai ít một rồi nuốt.
- Viêm loét dạ dày – hành tá tràng: Rễ cây phật thủ 30g nấu với dạ dày lợn, lượng đủ dùng nấu chín ăn.
- Chữa đau gan và dạ dày: phật thủ tươi 10g, thanh bì 6g, sắc nước uống. Hoặc hoa phật thủ 10g, hương phụ 10g, ô dược 6g, sa nhân 15g, bạch thược 15g, cam thảo 3g, sắc nước uống.
Chữa bệnh đường hô hấp
- Ho suyễn, nhiều đờm, khó thở: dùng 10g phật thủ, 5g vỏ củ gừng, 9g lá hoắc hương . Sắc lấy nước uống.
- Viêm amidan: Hoa phật thủ 10g, hoa hồng 10g, hoa tường vi 10g, hoa mai 6g. Sắc nước ngậm, súc miệng hoặc uống.
- Chữa viêm phế quản mạn tính: 2 quả phật thủ thái nhỏ; cho vào bát to với lượng đường mạch nha vừa dùng; hấp cách thủy cho đến khi phật thủ chín nhừ. Dùng trong 3 tuần, mỗi lần ăn một thìa to.
- Chữa ho sốt: dùng 15g phật thủ, 60g gạo tẻ. Nấu nhừ phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ. Khi cháo chín, cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.
Giải rượu
Đây là kinh nghiệm dân gian để giã rượu rất tốt trong những ngày Tết. Dùng 30g phật thủ tươi sắc lên, rồi cho người đang say rượu uống; sẽ giúp người say không bị đau đầu và nhanh tỉnh táo. Kết hợp nước phật thủ với nước chanh pha đường uống cho hiệu quả càng tốt.
Bên cạnh đó, chuyên gia tiết lộ thêm, ngoài việc làm thuốc cực hữu ích dịp Tết; phật thủ có thể được chế biến thành mứt ăn trong Tết thay cho mứt dừa, mứt gừng. Hoặc, phật thủ đem nấu cháo bằng cách nấu quả lấy nước nấu cháo, bỏ bã đi.
Ngoài ra, phật thủ cũng có thể đem chế biến thành những món ăn như: nấm và phật thủ, phật thủ hầm trái cây… đều giúp chữa ngán dịp Tết lại vô cùng ngon miệng, bổ dưỡng.
Tuy nhiên, lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, khi dùng phật thủ để làm thuốc cần hết sức thận trọng. “Để quả đẹp, không bị sâu không tránh được việc người bán phải phun lượng lớn thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, để làm thuốc từ loại quả này; phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được tự ý dùng làm thuốc khi không rõ nguồn hàng có an toàn hay không“.