Nóng: Người phụ nữ nghèo chết sau buổi test nhanh; nhật ký của một nữ tu phục vụ tại khoa ICU – “Cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức”.

Hà Nội sẽ lấy xét nghiệm 1,3 triệu mẫu

Kế hoạch này vừa được Chủ tịch Hà Nội thông qua ngày 10/8. Việc lấy 1,3 triệu mẫu thực hiện cho đến ngày 17/8.

Hà Nội sẽ lấy mẫu theo thứ tự ưu tiên với các nhóm từ đỏ – dam cam – xanh. Trong đó, nhóm đỏ gồm  các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, các trường hợp nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà…

Đồng Nai vượt 10.000 người

Sáng 11/8, CDC Đồng Nai ghi nhận thêm 975 ca dương tính, trong đó có 18 ca sàng lọc và 957 ca trong khu cách ly, phong tỏa.

Hiện tổng số ca nhiễm ở tỉnh là 10.627 ca, trong đó: TP.Biên Hòa nhiều nhất với 4.601 ca, huyện Vĩnh Cửu 2145, huyện Nhơn Trạch 1.951, huyện Trảng Bom 725, huyện Thống Nhất 261 ca. Cộng dồn tử vong 84 ca.

Đến nay, Việt Nam có 4 tỉnh thành gồm TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai có số ca nhiễm vượt trên 10.000 người.

Quá tải F0

Đó là tiêu đề bài viết được phản ánh trên báo Tiền Phong sáng 11/8.

Bài báo dẫn trường hợp gia đình chị Lê Trang ngụ tại quận 12, TP. HCM có bố, mẹ cùng mắc Covid-19. Sau một thời gian tự điều trị ở nhà, hai ngày qua tình trạng của bố mẹ chị ngày càng xấu.

“Chúng tôi liên tục gọi điện nhờ y tế địa phương hỗ trợ nhưng họ nói “cố gắng chờ”. Trung tâm Cấp cứu 115 nói chờ để điều phối, nhưng chờ gần 2 ngày rồi, bố tôi giờ liên tục khó thở, chẳng biết có qua nổi hay không”, chị Trang lo lắng nói.

Một trường hợp khác, chị Lê Phương Thảo ở quận Bình Tân có người nhà mắc Covid-19 và được yêu cầu theo dõi tại nhà. Hai ngày qua, người thân của chị có biểu hiện diễn tiến nặng, phải thở ôxy.

Sáng 10/8, gia đình gọi xe cứu thương nhưng không được, chị Thảo phải thuê chiếc xe ba gác để chở người thân đến Bệnh viện quận Bình Tân xin nhập viện. Tuy nhiên, do số lượng người xếp hàng chờ làm thủ tục nhập viện quá đông, chị phải cho người thân đứng ngoài đường chờ gần nửa ngày vẫn chưa đến lượt…

cấp cứu ca F0
Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Theo Tiền Phong, người bệnh không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn y tế kịp thời là thực tế khá phổ biến tại hầu khắp các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. Dù đã triển khai 5 tầng điều trị, nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở tất cả các tầng từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng và nguy kịch (Đọc toàn bài trên báo Tiền Phong).

Người phụ nữ nghèo chết sau buổi test nhanh

Bà N., 48 tuổi, một phụ nữ nghèo quê Kiên Giang; trọ ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.

Ngày 7/8, phường Tân Hiệp test nhanh; kết quả mẫu của bà N. dương tính với Covid-19. Bà N. sau đó được yêu cầu về phòng trọ tự cách ly và đến ngày 9/8 thì được lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Nhà chức trách kiểm tra tại nơi trọ của người phụ nữ nghèo vừa qua đời sau buổi test nhanh (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).
Nhà chức trách kiểm tra tại nơi trọ của người phụ nữ nghèo vừa qua đời sau buổi test nhanh (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Tuy nhiên trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR, ngày 10/8 bà N. cảm thấy khó thở và đã tử vong khi xe cấp cứu chưa kịp đến.

Hoàn cảnh gia đình bà N. khó khăn, nên chủ trọ và những người xung quanh đang vận động để hỗ trợ lo hậu sự cho bà (Đọc toàn bài trên báo Tuổi Trẻ).

Nhật ký nữ tu – “Cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức”

Mới đây, nhật ký của một nữ tu (sơ) phục vụ tại khoa ICU ở TP. HCM được chia sẻ trên các trang mạng khiến nhiều người quan tâm, đọc, và suy ngẫm.

Vị nữ tu cho biết, bà đã ngạc nhiên, thậm chí sốc khi chứng kiến những cái chết của bệnh nhân Covivd-19.

“Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn…

Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì. Thật sự là không còn gì! Trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm, nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người. Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”, nữ tu viết.

“Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi… Giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0. Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp.

Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!

Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. Như hôm tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người!

Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy, ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng”, vị nữ tu viết.