Theo Suckhoedoisong.vn , Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế- TS. Lê Văn Khảm nhấn mạnh: Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh hoặc phải sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến phòng chống Covid-19, trường hợp các dịch vụ không thuộc ngân sách đảm bảo sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

TS Lê Văn Khảm cho biết: Hằng năm Bộ Y tế đưa ra chủ đề phù hợp với bối cảnh thực tế để tạo sự quan tâm, ủng hộ của  các cơ quan, tổ chức cho đến người dân cùng hành động tiến tới mục tiêu “BHYT toàn dân, mọi người đều được chăm sóc sức khỏe toàn diện”.

TS.BS Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT (ảnh chụp màn hình báo Sức khỏe & Đời sống).

Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho việc khám chữa bệnh. Quỹ BHYT hiện đang là nguồn lực rất quan trọng trong công tác thanh toán các chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT.

Ảnh minh họa.

Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh cần sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến phòng chống Covid-19, nếu các dịch vụ đó không thuộc ngân sách đảm bảo, sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Đánh giá vai trò của BHYT đối với người dân trong đại dịch COVID-19, TS Lê Văn Khảm cho hay: Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nhiều trường hợp phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán nCoV đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi, cả test nhanh và PCR. Ngoài ra, trong số những người mắc Covid-19, nhiều người có bệnh lý nền mạn tính đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, chạy thận nhân tạo…. Người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn.

Trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay, một số nội dung về khám chữa bệnh đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, cụ thể như sau:

1. Kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.

2. Trong điều kiện giãn cách xã hội, cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký ban đầu bị phong toả, bệnh nhân được đến cơ sở y tế khác để khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến.

Trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và nắm được, nếu bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển cho bệnh nhân.

Có thể nói những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình trạng hiện nay của cơ quan chức năng góp phần vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT vừa tích cực phòng chống dịch bệnh.