Luyện thi – phải chăng đã trở thành một phần tất yếu của tuổi học trò? Khi điểm số lên ngôi, liệu có ai còn lắng nghe những mong manh trong tâm hồn trẻ nhỏ?

Luyện thi trong giáo dục thành tích

Học thêm, luyện thi giờ đây không còn là lựa chọn, mà đã trở thành một phần tất yếu trong guồng máy mang tên “giáo dục thành tích”. Cỗ máy ấy vận hành nhịp nhàng – từ lớp học chật ních học sinh đến các nền tảng luyện thi online phủ sóng mạng xã hội, từ những cuốn sách tham khảo dày cộp đến các khóa học cấp tốc được gói gọn trong vài tháng cuối cấp.

Ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, thị trường luyện thi sôi động như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khác. Học sinh lớp 9 chạy từ lớp này sang lớp kia như những chiến binh nhỏ tuổi. Lớp 12 thì “sống” bằng thời khóa biểu chật cứng: sáng học ở trường, chiều học thêm, tối luyện đề. Có em chỉ kịp ăn vội hộp cơm nguội trước khi tiếp tục dán mắt vào đề thi đến tận đêm khuya.

Ngành công nghiệp này lớn mạnh vì đánh đúng vào nỗi lo sâu thẳm: nếu không luyện, sẽ thua thiệt. Nhưng ít ai dừng lại để nhìn – trong cỗ máy ấy, những tâm hồn tuổi trẻ đang dần bị mài mòn, bị đóng khung như một “sản phẩm luyện điểm”, thay vì được phát triển như một con người đầy đủ cảm xúc và tư duy.

Áp lực từ gia đình, xã hội khiến luyện thi trở thành điều tất yếu

Minh – học sinh lớp 12 tại Hà Nội – vẫn chưa biết rõ bản thân muốn gì. Điều duy nhất em chắc chắn, là bố mẹ đã chọn giúp em con đường: ngành kinh tế, vì đó là “ngành an toàn”. Để đạt được điều ấy, Minh đang theo ba lớp luyện thi cùng lúc: Toán, Lý, Anh. Ngày của em bắt đầu từ sáng sớm và chỉ kết thúc khi kim đồng hồ chỉ gần nửa đêm.

Có hôm, sau một chuỗi giờ học không nghỉ, Minh lê bước về nhà trong im lặng. Không phải vì bài khó hay điểm thấp – mà vì em cảm thấy mình như đang sống cuộc đời do người khác viết sẵn.

Áp lực với Minh không chỉ là kỳ thi phía trước, mà là ánh mắt chờ đợi của cha mẹ, là tiếng thúc giục ngầm của bạn bè, là cảm giác nếu không đỗ – sẽ chẳng được chấp nhận. Minh đang chạy, và những người xung quanh cũng thế – nhưng chẳng ai thực sự biết mình đang hướng về đâu.

Câu chuyện của Minh không cá biệt. Nó phản ánh một thực tế phổ biến: có quá nhiều học sinh đang phải gồng mình sống với những ước mơ không thuộc về chính họ.

Luyện thi thành công nghệ và hệ lụy tâm lý học sinh
Áp lực từ gia đình, xã hội khiến luyện thi trở thành điều tất yếu (Ảnh: Internet)

Hệ lụy tâm lý: Stress – lo âu – trầm cảm

Trong khu vườn mang tên “giáo dục chạy đua”, học sinh – những bông hoa bé nhỏ – không được lớn lên bằng sự thấu hiểu và ươm mầm từ ước mơ của chính mình. Thay vào đó, các em phải gồng mình dưới ánh nắng gay gắt của luyện thi; áp lực điểm số và kỳ vọng đè nặng từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Một khảo sát của Đại học Quốc gia TP.HCM vào năm 2023 cho thấy: cứ 10 học sinh lớp 12 thì có gần 5 em đang chịu rối loạn lo âu, và hơn 20% mang dấu hiệu của trầm cảm mức nhẹ đến trung bình. Các em không mệt vì chơi quá đà, mà vì đã kiệt sức trong hành trình học – thi – luyện không hồi kết.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm từng cảnh báo: “Khi học sinh học chỉ để thi, cảm xúc với tri thức dần nguội lạnh – đó là lúc tâm hồn trẻ bắt đầu tổn thương.”

Những bông hoa ấy không héo vì yếu đuối, mà vì môi trường đã vắt cạn sức sống trong các em. “Áp lực thi cử không chỉ nằm ở những giờ học kéo dài; mà còn là những đêm thức trắng; những giọt nước mắt lặng thầm và những ước mơ dần bị định hướng bởi kỳ vọng của người lớn.”

Mất cân bằng cuộc sống: Học giỏi để làm gì nếu không còn được là chính mình?

Chúng ta luôn nhấn mạnh rằng: học giỏi là con đường dẫn tới thành công. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: thành công kiểu gì; nếu một đứa trẻ phải đánh đổi cả tuổi thơ, sức khỏe và niềm vui để đổi lấy điểm số?

Trong guồng quay luyện thi, học sinh không chỉ mất đi thời gian vui chơi; mà còn đánh mất cơ hội phát triển thể chất; rèn luyện kỹ năng sống – những yếu tố thiết yếu cho sự trưởng thành toàn diện. Nhiều em sống theo lịch trình học dày đặc đến mức khái niệm “thư giãn” dường như xa lạ.

Một học sinh lớp 11 tại Đà Nẵng chia sẻ trong buổi tư vấn tâm lý học đường: “Em không nhớ lần cuối mình được đá bóng vui vẻ với bạn là khi nào. Em luôn sợ nếu không đỗ, thì mình là kẻ thất bại.” Câu nói ấy nghe qua tưởng như bình thường; hưng ẩn sau là sự mệt mỏi và lạc lối của một tâm hồn đang lớn lên trong áp lực.

Liệu một xã hội có thực sự phát triển nếu những người trẻ lớn lên; mà không được sống trọn vẹn? Chúng ta đang đánh đổi quá nhiều cho một “tương lai tốt đẹp” mà đôi khi không ai chắc chắn rằng nó phù hợp với chính người học.

Khi các em được học trong trạng thái cân bằng – nơi trí tuệ lớn lên cùng cảm xúc (Ảnh: internet)

Học giỏi là tốt. Nhưng điều tốt hơn; là khi các em được học trong trạng thái cân bằng – nơi trí tuệ lớn lên cùng cảm xúc; và điểm số không phải là thước đo duy nhất của giá trị con người.

Giải pháp từ thực tế: Khi giáo dục không chỉ là luyện thi

Giáo dục không chỉ là thi cử. Nhưng tại sao nhiều quốc gia vẫn đạt thành tích cao mà không đẩy học sinh vào guồng quay thi cử căng thẳng? Hãy nhìn vào Phần Lan – một quốc gia nổi bật với mô hình giáo dục khác biệt. Tại đây, học sinh không bị áp lực bởi các kỳ thi liên miên. Thay vào đó, tư duy phản biện, kỹ năng sốngsự phát triển cá nhân là trọng tâm. Kết quả là, học sinh Phần Lan không những ít stress; mà còn đạt thành tích xuất sắc, trở thành những công dân toàn diện trong xã hội.

Ngược lại, tại Việt Nam, vẫn tồn tại mô hình giáo dục chủ yếu tập trung vào thi cử. Tuy nhiên, một số trường đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận để giúp học sinh phát triển toàn diện hơn. Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), ví dụ, đã triển khai mô hình “Học mà chơi – chơi mà học”, với các hoạt động trải nghiệm đa dạng, giúp học sinh giảm bớt áp lực từ các kỳ thi. Những hoạt động này không chỉ giúp các em thư giãn; mà còn khuyến khích sự sáng tạo; tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống thực.

Tại sao chúng ta không thử thay đổi? Liệu rằng, với những mô hình giáo dục chú trọng vào sự phát triển toàn diện, học sinh không chỉ đạt thành tích cao mà còn trưởng thành về cả mặt tinh thần và thể chất?

Kêu gọi sự thay đổi: Vì một tương lai giáo dục hạnh phúc

Giáo dục không thể chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Cải cách giáo dục thực sự cần sự chung tay từ nhiều phía: phụ huynh; nhà trường, xã hội và các chính sách hỗ trợ. Chúng ta không thể tiếp tục để học sinh sống trong áp lực học hành suốt cả tuổi thơ; chỉ vì kỳ vọng thành tích.

Tại TP.HCM, một nhóm phụ huynh đã làm nên bước đi quan trọng với việc thành lập CLB “Cha mẹ đồng hành cùng con học hạnh phúc”. Mục tiêu của họ không phải là tạo ra những đứa trẻ thành tích cao; mà là xây dựng một môi trường giáo dục không bị chi phối bởi áp lực điểm số. Các phụ huynh trong CLB này cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái; khuyến khích các em học vì đam mê và sự phát triển bản thân; thay vì chạy theo những con số vô hồn.

Học sinh trong nhóm này đều cho biết, cảm giác “thoải mái hơn; yêu thích việc học hơn” vì được cha mẹ hiểu và đồng hành đúng cách. Họ không còn cảm thấy gánh nặng, mà là niềm vui khám phá kiến thức. Chính cha mẹ đã thay đổi cách nhìn nhận; giúp con em họ phát triển một cách tự nhiên và hạnh phúc hơn.

Nếu mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi cộng đồng đều hành động như vậy; chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh. Nơi học sinh không chỉ giỏi giang; mà còn trưởng thành với trái tim đầy đủ yêu thương và sự hiểu biết.